Thực tiễn chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh thế giới đương đại (Phần 2 và hết)

Từ năm 1986, với tư duy mới về kinh tế trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh trên phạm vi cả nước cũng như ở các bộ, ngành Trung ương và ở các địa phương đã có bước chuyển mạnh, từ nhận thức đến tổ chức triển khai thực hiện.
quan-doi-nhan-dan-viet-nam-11521-1713193721.jpg
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại. Ảnh: TTXVN

Mọi tiềm năng của cả nước được huy động cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trong thời bình; và khi đất nước bị xâm lược đã động viên được “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc” với sức mạnh tổng hợp lớn nhất, đánh bại các đội quân xâm lược trong những điều kiện lịch sử khác nhau. Chính sự nhận thức, giải quyết đúng đắn vấn đề chiến tranh và hòa bình đã góp phần làm tăng sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh trên phạm vi cả nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. -

Hiện nay, cùng với sự đổi mới về kinh tế và đổi mới chính trị, việc tổ chức thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng an ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện cả về nhận thức và tổ chức thực tiễn. Đặc biệt, các khía cạnh liên quan đến vấn đề chiến tranh và hòa bình ngày càng được khái quát hoá về lý luận. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn đối với những vấn đề cơ bản về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Trên cơ sở nhận thức và giải quyết thoả đáng vấn đề chiến tranh và hòa bình, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh được khẳng định là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau giữa các yếu tố, các lĩnh vực xuyên suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bản chất của mối quan hệ này ngày càng được nhận thức sâu sắc trong một chỉnh thể thống nhất, được thể hiện ở các động thái cụ thể: xây dựng phải luôn gắn chặt với bảo vệ; chủ động mở cửa hội nhập quốc tế phải bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia và chế độ chính trị; phát triển kinh tế - xã hội phải tạo cơ sở để tăng cường quốc phòng - an ninh, tăng cường quốc phòng - an ninh của đất nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự gắn kết đó đã được thể hiện trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

files-library-images-site-1-20200105-web-doi-moi-nam-1986-bai-hoc-tu-doi-moi-tu-duy-cua-dang-2-174656-1713193721.jpg
Người dân xếp hàng mua đồ thời bao cấp. Ảnh: Internet

Tuy vậy, nhận thức về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh ở một số nơi chưa đúng và chưa đầy đủ, nhất là nhận thức về vai trò của các nhân tố lãnh đạo, quản lý, điều hành của tổ chức đảng và chính quyền các cấp; về mối quan hệ giữa tự bảo vệ và được bảo vệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và các lực lượng quốc phòng an ninh; về vị trí, vai trò của quốc phòng an ninh trong quan hệ với kinh tế - xã hội.

Ở một số ngành, lĩnh vực và địa phương còn chưa chủ động tích cực, hoạt động thiếu đồng bộ; cơ chế hoạt động lãnh đạo, quản lý, triển khai điều hành còn lúng túng cả ở tầm vĩ mô và vi mô; nội dung, phương thức gắn kết chậm đổi mới, chưa được xác định đầy đủ, phù hợp với sự thay đổi phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, vẫn bị ảnh hưởng bởi cách làm của thời bao cấp. Sự phối hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong phê duyệt, ký kết các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư từ nước ngoài chưa có cơ chế rõ ràng, chặt chẽ, nên một số chương trình, dự án sau khi xây dựng xong đã ảnh hưởng không tốt đến thế trận quốc phòng - an ninh và thậm chí cả lợi ích quốc gia dân tộc.

Những tồn tại nói trên đã ảnh hưởng không ít đến hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường quốc phòng an ninh, thậm chí đã có lúc, có nơi bộc lộ những sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu phá hoại. Nếu không nhanh chóng khắc phục triệt để những tồn tại đó thì chắc chắn cả lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc khó có thể vượt qua được những thách thức đang đặt ra trước mắt chúng ta trong thời kỳ mới.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến