Song, đối với các vụ xung đột vũ trang, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung lãnh đạo lực lượng vũ trang ngoan cường chặn địch, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, ngoại giao với các hình thức đấu tranh quân sự buộc lực lượng gây xung đột phải lùi bước. Lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cơ quan quân sự cấp trên, chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu thích hợp, kịp thời triển khai theo các phương án tác chiến, kiên quyết bảo vệ mục tiêu được giao. Đồng thời, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp cùng bộ đội biên phòng, lực lượng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể làm nòng cốt cho nhân dân địa phương trong hoạt động đấu tranh, đồng thời tham gia giải quyết hậu quả tại địa phương, địa bàn. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trên cơ sở nhiệm vụ đã được xác định, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch công tác, triển khai các mặt hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ.
Khi địch phong tỏa, lấn chiếm biển, đảo, các địa phương dưới sự chỉ đạo của quân khu và Bộ phối hợp chặt chẽ cùng bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và các lực lượng chuyên trách phòng thủ biển, đảo đánh trả các phương tiện phong tỏa, lấn chiếm của địch. Đồng thời, phải làm tốt công tác theo dõi, đánh dấu khu vực địch thả bom, mìn, thủy lôi, vật cản để rà phá, mở luồng vận tải. Lực lượng vũ trang địa phương theo khả năng của mình phối hợp với hải quân và lực lượng của cấp trên đánh chiếm lại các đảo thuộc chủ quyền, đồng thời tham gia phục vụ, bảo đảm cho bộ đội chủ lực tác chiến.
Trong trạng thái thời chiến, là trạng thái xảy ra khi ở một hay nhiều khu vực hoặc cả nước, tình hình an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng; địch tiến hành cấm vận, bao vây, phong tỏa đường biển, đường không, lấn chiếm biên giới, biển, đảo, tập kích hỏa lực hoặc chuẩn bị tiến công xâm lược, Chủ tịch nước ra Tuyên bố tình trạng chiến tranh, phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân thời bình được chuyển hóa hoàn toàn sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân.
Chuyển địa phương sang thời chiến là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của chiến tranh. Đó là quá trình chuyển trọng tâm nhiệm vụ chính trị của địa phương từ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quốc phòng thời bình sang nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương và duy trì kinh tế - xã hội thời chiến. Chuyển địa phương sang thời chiến là giai đoạn địa phương phải triển khai nhiều mặt công tác trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ do toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị thực hiện.
Cấp uỷ đảng từng địa phương phải căn cứ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương để ra nghị quyết lãnh đạo địa phương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến và động viên thời chiến. Trong quá trình chuyển địa phương sang thời chiến, cấp lãnh đạo phải xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra, nhất là tình huống địch lấn chiếm biên giới, biển, đảo, gây bạo loạn lật đổ. Về hình thức, phương pháp lãnh đạo lúc này cũng cần hết sức linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thời chiến.
Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức hội nghị bất thường quán triệt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước, Quyết định của Chính phủ; chủ trương lãnh đạo của cấp ủy đảng cùng cấp; quyết nghị điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và biện pháp tổ chức thực hiện chuyển địa phương sang thời chiến theo đề nghị của Ủy ban nhân dân; phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát hoạt động các tổ chức chính quyền; đồng thời động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển địa phương sang thời chiến. Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương triển khai các bước công tác quản lý nhà nước; phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân được phân công phụ trách, tận dụng năng lực tham mưu của các cơ quan chuyên môn... để chuyển địa phương sang thời chiến.
Trong quá trình điều hành, Ủy ban nhân dân một mặt tuân thủ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định, mặt khác tuân thủ các chế tài bổ sung khi đất nước chuyển sang trạng thái chiến tranh.
Cơ quan quân sự các cấp căn cứ vào mệnh lệnh của cấp trên để tổ chức chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang địa phương; khôi phục biên chế thời chiến cho các đơn vị, mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; triển khai hệ thống sở chỉ huy, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương và phương án bảo vệ mục tiêu. Đồng thời, cơ quan quân sự làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chương trình công tác của Ủy ban nhân dân. Khối lượng công tác lớn, tình hình diễn biến rất khẩn trương và phức tạp, nên cơ quan quân sự phải đề cao trách nhiệm, vận dụng linh hoạt các phương pháp tham mưu để nâng cao hiệu suất công tác. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp trên và chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền theo lĩnh vực công tác, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước triển khai các mặt công tác ngành để nhanh chóng chuyển địa phương sang thời chiến và thực hiện động viên thời chiến.