Nâng cao nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình phải thực sự thấm vào nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trọng tâm là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành của Đảng, Nhà nước, nhất là thế hệ trẻ.
a2-1715615864.jpg
Cán bộ môn giáo dục quốc phòng, an ninh uốn nắn từng động tác quân sự cho học sinh. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Đó là điều kiện tiên quyết để xác định đúng tầm quan trọng chiến lược của công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, xác định rõ công tác giáo dục quốc phòng an ninh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Công tác giáo dục quốc phòng - an ninh phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ và sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, phát huy trách nhiệm tham mưu của cơ quan quân sự các cấp và vai trò tư vấn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh, sự phối hợp tổ chức thực hiện của các ban, ngành.

Cần xây dựng hệ thống văn bản đồng bộ, có tính pháp quy cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và bảo đảm ngân sách cũng như cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục quốc phòng an ninh. Đặc biệt, cần coi trọng việc xây dựng chương trình, nội dung, giáo trình, giáo khoa, tài liệu, chuyên đề giáo dục quốc phòng - an ninh phù hợp với từng đối tượng, chú trọng biên soạn sách hướng dẫn dùng cho giáo viên, trong đó lý luận và thực tiễn của vấn đề chiến tranh và hoà bình cần được dành dung lượng xứng đáng. Sự hiểu biết của đội ngũ giáo viên về chiến tranh và hoà bình là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực sự của giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.

Cần tăng cường hiệu lực quản lý của uỷ ban nhân dân các cấp; thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh các cấp đủ số lượng, đúng thành phần, phân công trách nhiệm hợp lý; thực hiện tốt quy chế hoạt động, kế hoạch công tác; phát huy sức mạnh của các hội đồng, các ban ngành, đoàn thể trong tổ chức giáo dục quốc phòng - an ninh.

Đồng thời, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra gắn với việc sơ kết, tổng kết định kỳ, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với cá nhân và tập thể trong tham gia công tác giáo dục quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, cần gắn công tác giáo dục quốc phòng - an ninh với thực tiễn triển khai các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gìn giữ hoà bình và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Để tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng - an ninh trong hệ thống giáo dục quốc gia, các cấp, các ngành cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và quán triệt thật sâu sắc nội dung Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, Nghị định số 116 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về an ninh quốc gia.

giao-duc-quoc-phong-voi-sinh-vien-dai-hoc-17022807656841266263598-1715615741.jpg
Giáo dục quốc phòng và an ninh đã trở thành môn học chính khóa. Ảnh: Báo Chính phủ

Trên cơ sở đó, cần chú trọng đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục quốc phòng an ninh, sao cho các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, thống nhất nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục cho từng đối tượng cụ thể.

Các cấp, các ngành cần rà soát lại hệ thống các văn bản chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, kiên quyết cắt bỏ những điểm không còn phù hợp, điều chỉnh, bổ sung các văn bản cho thật sát thực tiễn giáo dục quốc phòng an ninh gắn với nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hoà bình ở nước ta hiện nay. Công tác xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, giáo khoa, tài liệu giáo dục quốc phòng - an ninh cần đạt chuẩn quốc gia, phù hợp với bậc học và đối tượng người học. 

Cần không ngừng đổi mới tác phong, lề lối làm việc của Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh các cấp; chọn đúng người có đức, có tài để đưa vào các hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh; xây dựng công tác tham mưu, đề xuất, công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc thực hiện tăng cường, đổi mới giáo dục quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt điều đó thì công tác giáo dục quốc phòng - an ninh mới góp phần thiết thực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong công tác quốc phòng - an ninh là phát hiện, ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội, giữ vững ổn định về chính trị, môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến