Lực lượng hoạt động tác chiến trong lòng địch và sau lưng địch là lực lượng tổng hợp do lực lượng vũ trang làm nòng cốt, song thường phân tán, trụ lại trong làng xã, căn cứ chiến đấu. Cách thức tác chiến chủ yếu là tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, tìm sơ hở của địch để tổ chức các trận đánh nhỏ, đánh hiểm, đánh bất ngờ. Tiến công quân sự được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, binh vận và các hình thức đấu tranh khác như chống địch đàn áp dân, bắt lính, lập ngụy quân, ngụy quyền... Hoạt động tác chiến trong lòng địch và sau lưng địch có tính độc lập, tự lực cao, góp phần làm suy yếu địch, song diễn ra gay go, quyết liệt và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ thời bình và kịp thời bổ sung, điều chỉnh trong quá trình chiến tranh.
Hoạt động tác chiến phối hợp với bộ đội chủ lực là sự kết hợp chặt chẽ hoạt động của lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động, giữa lực lượng toàn dân đánh giặc với các binh đoàn chủ lực để tạo sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động tác chiến phối hợp với bộ đội chủ lực phải dựa vào kế hoạch phòng thủ của địa phương và quyết tâm chiến đấu, kế hoạch tác chiến của bộ đội chủ lực, lấy yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội chủ lực làm trung tâm, đồng thời đạt mục đích, yêu cầu tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương. Cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của từng địa phương phải chủ động chuẩn bị mọi mặt theo kế hoạch thống nhất để nâng cao hiệu suất chiến đấu của cả bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương, đồng thời tạo hiệu quả đặc biệt của tác chiến hiệp đồng.
Cùng với các hoạt động tác chiến trên đây, việc tổ chức cho toàn dân đánh giặc thời kỳ đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh còn bao gồm các hoạt động phục vụ và bảo đảm chiến đấu. Hoạt động này do lực lượng tổng hợp của toàn dân tiến hành, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Công tác bảo đảm và phục vụ chiến đấu bao gồm nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như: Bảo đảm và phục vụ tại chỗ; bảo đảm và phục vụ tại chỗ kết hợp với bảo đảm và phục vụ từ trên xuống; bảo đảm và phục vụ do cấp trên chi viện trực tiếp...
Hoạt động bảo đảm và phục vụ chiến đấu trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phải trên cơ sở phát huy cao độ thế mạnh của toàn dân đánh giặc. Các địa phương căn cứ vào kế hoạch hoạt động của khu vực phòng thủ để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xây dựng phương pháp, cách thức bảo đảm và phục vụ đối với từng lĩnh vực cụ thể. Tùy theo đối tượng, mục đích, nội dung bảo đảm, phục vụ, cần vận dụng các phương pháp, cách thức thích hợp.
Sự chuyển hóa phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi chiến tranh xảy ra được thể hiện thành các cấp độ cụ thể tùy theo các trạng thái quốc phòng. Trạng thái quốc phòng là khách quan, song được khái quát thành hệ tiêu chí để tổ chức mọi hoạt động của các bộ, ngành, địa phương về công tác quốc phòng từ thời bình và các giai đoạn chuyển tiếp sang thời chiến, bảo đảm thực hiện động viên quốc phòng nhằm xử trí các tình huống về quốc phòng khi xảy ra.
Trong trạng thái thường xuyên - trạng thái đất nước phát triển bình ổn thời bình, tình hình chính trị xã hội cơ bản ổn định, do đó các hoạt động quân sự, quốc phòng chủ yếu được thực hiện theo phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân thời bình. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tranh thủ thời cơ, tích cực chủ động xây dựng địa phương vững mạnh về mọi mặt, chăm lo xây dựng lực lượng và thế trận của khu vực phòng thủ. Đồng thời, cần thường xuyên nắm vững tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để dẫn đến “điểm nóng”, nhất là nguy cơ chiến tranh.