Nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về chiến tranh và hòa bình

Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, một truyền thống đã được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước luôn đi đôi với giữ nước của dân tộc.
bo-doi-cu-ho-bieu-tuong-cua-suc-manh-niem-tin-chien-thang-f146e-1710861109.jpg
Huấn luyện khẩu đội cối tại Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Để phát huy truyền thống đó, cần phải đánh giá đúng thực trạng để có cơ sở tuyên truyền, giáo dục làm cho nhân dân luôn nhận thức đúng đắn về chiến tranh và hòa bình, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, về bảo vệ Tổ quốc.

Một trong những thành công của công tác tuyên truyền, giáo dục là làm cho nhận thức về chiến tranh, về hòa bình, về những khả năng chuyển trạng thái từ chiến tranh sang hòa bình hoặc từ hòa bình sang chiến tranh ngày càng ăn sâu vào tâm thế và thái độ của nhân dân. Lịch sử chiến tranh và nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh ở Việt Nam cho thấy tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện là phương thức tiến hành chiến tranh đúng đắn và đã trở thành quy luật giành thắng lợi trong giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trong tương lai, để đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược của các thế lực hiếu chiến (nếu xảy ra), chắc chắn chúng ta sẽ tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chủ thể tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chính là quần chúng nhân dân. Do đó, nhận thức của nhân dân về chiến tranh và tâm thế của nhân dân đối với chiến tranh vô cùng quan trọng.

Nhìn chung hiện nay, đại bộ phận nhân dân có nhận thức đúng đắn về chiến tranh, về hậu quả mà chiến tranh gây ra đối với con người, từ đó có thái độ đúng đắn, phản đối chiến tranh, yêu chuộng hòa bình. Đồng thời, các tầng lớp nhân dân về cơ bản cũng thấu rõ được âm mưu tiến hành chiến tranh kiểu mới của các thế lực hiếu chiến, từ đó nêu cao cảnh giác đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của chúng. Mặt khác, với tinh thần yêu nước, khao khát hòa bình, nhân dân ta luôn nhìn thẳng vào sự thật, sẵn sàng đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược của các thế lực hiếu chiến.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về chiến tranh, nhất là lớp trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Họ chưa thấy hết hậu quả của chiến tranh và giá trị của hòa bình nên còn có biểu hiện ấu trĩ trong nhận thức, quá khích trong hành động, đặc biệt là khi bị kích động. Họ nhận thức về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chưa đầy đủ nên còn biểu hiện mơ hồ mất cảnh giác, để các thế lực thù địch lợi dụng phục vụ cho âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Một số người do nhận thức về chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện chưa rõ nên chưa thấy và chưa thực hiện được vai trò chủ thể của mình trong chuẩn bị sẵn sàng đối phó với chiến tranh từ thời bình.

1-1-1710861063.jpg
Lực lượng Cảnh sát biển phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân ven biển quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng). Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Về xác định trách nhiệm người dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, từ nhận thức đúng về chiến tranh và hoà bình, đại đa số người dân đã nhận thức được giá trị của quốc phòng đối với đời sống nhân dân và xác định được trách nhiệm của mình tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nhìn chung, nhân dân ta có nhận thức đúng đắn về nền quốc phòng toàn dân, xác định được vị trí, vai trò là chủ thể của nền quốc phòng toàn dân. Từ chỗ thấy được giá trị to lớn của quốc phòng đối với đời sống cho nên các tầng lớp nhân dân đều tích cực nêu cao trách nhiệm tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường củng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước.

Bên cạnh mặt tích cực đó, còn có thể thấy nhận thức về quốc phòng toàn dân trong nhân dân đang tồn tại nhiều hạn chế: một bộ phận nhân dân chưa thấy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường củng cố sức mạnh quốc phòng của đất nước. Họ cho rằng đây chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của quân đội. Từ đó, họ có thái độ bàng quan trước nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng, chưa thấy rõ lực lượng của nền quốc phòng toàn dân là lực lượng toàn dân - là chính họ.

Về nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đại bộ phận nhân dân có nhận thức đúng đắn về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xác định được trách nhiệm công dân đối với bảo vệ Tổ quốc trong cả thời bình và thời chiến. Trên cơ sở thấu triệt quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, mỗi người dân đã nêu cao trách nhiệm, tích cực thực hiện nghĩa vụ của bản thân và vận động người khác tham gia, góp phần thực hiện kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, tâm thế sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nếu chiến tranh xảy ra vẫn thường trực trong tâm thức người dân.

Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, còn nặng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chưa chú trọng đến bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước; chưa thấy rõ bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân cho nên còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, thậm chí trốn tránh trách nhiệm. Họ chưa thấy rõ nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay (trong thời bình) là đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đồng thời sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống khác có thể xảy ra. Họ đồng nhất bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với chống chiến tranh xâm lược, và cho đó là trách nhiệm riêng của lực lượng vũ trang.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến