Chiến tranh và hòa bình là sự kế tục của chính trị

Sự kế tục chính trị bằng chiến tranh hoặc bằng con đường hòa bình đều bộc lộ những vấn đề bản chất, tính quy luật cần nắm bắt để vận dụng sáng tạo. Sự ràng buộc, chế ước, quy định lẫn nhau, cũng như sự tương tác qua lại và nhất là sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chính trị với chiến tranh và hòa bình là một trong những điểm cốt lõi về lý luận.
a9-1731237203.jpg
Lực lượng pháo phòng không thực hành bắn chiến đấu. Ảnh: Quân đội Nhân dân

Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh trên thế giới, nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình với tính cách sự kế tục chính trị là vấn đề trọng đại có liên quan đến sự an nguy của cả quốc gia, dân tộc và trực tiếp là chế độ chính trị - nhà nước. Các nước đều chú trọng hàng loạt nội dung: Cảnh giác với nguy cơ chiến tranh, chủ động chiến lược, phát triển bền vững đất nước nhằm giữ gìn hòa bình, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, xây dựng chế độ chính trị ưu việt, tăng cường sức mạnh quân sự nhà nước, cố kết dân tộc, phát huy nội lực, tham gia các liên minh quốc tế có lợi, phát triển nghệ thuật mở đầu, tiến hành và kết thúc chiến tranh, nghệ thuật đấu tranh vũ trang; xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Đối với dân tộc Việt Nam, vấn đề chiến tranh và hòa bình được đặt ra rất sớm và hầu như gắn chặt với suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Với chiến tranh, người Việt không hề mong muốn, nhưng cũng không hề e sợ. Các hoạt động quân sự giữ nước gắn kết chặt chẽ với hoạt động lao động sản xuất, tổ chức xã hội, phát triển đời sống người dân và đối ngoại thân thiện. Trong thời đại hiện nay, lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn thể hiện sáng ngời hệ quan điểm về nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình, đồng thời để lại những bài học kinh nghiệm quý báu.

Trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, vấn đề dự báo các tình huống chiến lược có thể xảy ra là hết sức quan trọng. Đó là một trong những cơ sở để hoạch định chiến lược quốc gia, chủ động đề ra những chính sách và giải pháp để xây dựng các tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng, thế trận chiến tranh nhân dân trong chuẩn bị cũng như thực hành đấu tranh giành thắng lợi khi tình huống xảy ra. Trước các biến động của tình hình chính trị, kinh tế, quân sự trên thế giới và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch diễn ra trong thời gian gần đây, việc dự báo sự phát triển mới của các tình huống chiến lược là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện, biện chứng, khách quan. Các tình huống chiến lược được dự báo có liên quan trực tiếp đến chiến tranh và hòa bình được khái quát lại bao gồm: Tình huống “diễn biến hòa bình” (tương dung trạng thái hòa bình), tình huống bạo loạn lật đổ trong đó có bạo loạn vũ trang (sự giao thoa giữa chiến tranh và hòa bình), xung đột, nội chiến và chiến tranh (tương dung trạng thái chiến tranh). Tuy là tình huống có thể diễn ra một cách khách quan, song có diễn ra hay không, diễn ra cấp độ nào, phạm vi nào, tính chất nào lại phụ thuộc vào chủ thể chính trị trong nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Đánh giá đúng thực tiễn nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa quan trọng vừa nhằm minh chứng cho việc nghiên cứu lý luận chính trị nghiêm túc, vừa cho phép có cái nhìn thực tiễn để tính tới đề xuất quan điểm, mô hình, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam gắn với vấn đề chiến tranh và hòa bình. Tình hình nhận thức của hệ thống chính trị, của nhân dân và nhất là của lực lượng vũ trang về xây dựng nền quốc phòng toàn dân về cơ bản là đúng hướng, song các vấn đề nhạy cảm về chiến tranh và hòa bình chứa đựng trong đó vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và sâu sắc, thậm chí còn có sự ngộ nhận. Công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa gắn với vấn đề chiến tranh và hòa bình cũng đạt được nhiều thành tựu về tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận xây dựng nền quốc phòng toàn dân, song tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chiến tranh và hòa bình còn hạn chế. Việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cơ bản đã gắn với nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình, song vẫn thiếu hụt về tri thức lý luận và kém cập nhật thực tiễn phát triển mới. Từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn đó, có thể thấy những vấn đề đặt ra cho quốc phòng Việt Nam về nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải gắn với đổi mới, phát triển tư duy lý luận về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh, gắn với đổi mới tổ chức hoạt động thực tiễn quốc phòng - an ninh, gắn với đổi mới, phát triển công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, gắn với xây dựng môi trường hoà bình và sẵn sàng xử lý tình huống chiến lược.

Quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam từ lý luận và thực tiễn nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình có cơ sở lý luận và thực tiễn từ học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn lãnh đạo của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mô hình xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam hiện nay gắn với lý luận và thực tiễn nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình bao gồm mô hình tổng quát và một số mô hình cụ thể. Việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân xuất phát từ lý luận và thực tiền nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình thực chất là xây dựng từng yếu tố cấu thành nền quốc phòng, song được nhìn nhận, tháo gỡ những bất cập của nó theo góc độ xây dựng toàn diện thời bình, đồng thời trụ vững và có khả năng chuyển hóa linh hoạt khi chiến tranh xảy ra.
 

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến