Về nguyên tắc định hướng chính trị, việc thực hiện các quan điểm chỉ đạo trên luôn tuân theo sự lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời được giữ vững định hướng chính trị bằng công tác tư tưởng và tổ chức. Đây là nguyên tắc chính trị cao nhất, thể hiện mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của Nhà nước đều có sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối, chủ trương, nghị quyết lãnh đạo của Đảng là phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở nước ta.
Theo đó, mọi nhiệm vụ, công tác bảo đảm, tăng cường quốc phòng và an ninh nhằm giữ vững thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và ổn định cho sự phát triển bền vững đều được thực hiện bằng và trên cơ sở công tác chính trị, công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những tư tưởng, hành động và việc làm xem nhẹ, coi thường hay thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng đều là sai lầm, tất yếu sẽ không những làm cho phát triển thiếu ổn định, bền vững mà còn làm cho các mặt, các nhiệm vụ, các yêu cầu bảo đảm, tăng cường quốc phòng và an ninh nhằm giữ vững thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và ổn định sẽ không thể thực hiện được.
Về nguyên tắc chế định pháp lý, việc thực hiện các quan điểm chỉ đạo trên luôn tuân theo đúng sự quản lý bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời được chế định hóa bằng hệ thống quy phạm, chế tài pháp luật. Đây là nguyên tắc thể hiện tính chất chính trị - pháp lý của Nhà nước đối với tất cả các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện việc quản lý nhà nước bằng chính sách đối nội và đối ngoại thông qua hệ thống văn bản pháp luật. Nhà nước thực hiện việc quản lý quốc phòng và an ninh bằng hệ thống pháp luật về quốc phòng và an ninh. Mọi hoạt động quốc phòng và an ninh đều thực hiện bằng luật pháp.
Theo đó, việc bảo đảm, tăng cường quốc phòng và an ninh nhằm giữ vững thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và ổn định cho sự phát triển bền vững đều tuân theo pháp luật, bằng các công cụ quản lý của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước có trách nhiệm luôn từng bước chế định và cụ thể hóa hoạt động quản lý của mình bằng hệ thống các quy phạm, chế tài pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh được thực hiện. Nếu không thực hiện đồng thời cả hai chức năng trên đây, thì vai trò quản lý của Nhà nước sẽ trở nên kém hiệu lực.
Về nguyên tắc hiệu quả thực thi, việc thực hiện các quan điểm chỉ đạo trên luôn tuân theo đúng kế hoạch tổ chức thực hiện của từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, đồng thời được
đánh giá, tổng kết theo tiêu chí hiệu quả làm chuyển biến tình hình. Đây là nguyên tắc thể hiện sự cụ thể hóa, hiện thực hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ quốc phòng và an ninh bằng kết quả đạt được thông qua quá trình kế hoạch hóa nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức lực lượng, trước hết là lực lượng quốc phòng và an ninh theo các tiêu chí về phát triển bền vững đã được xác định.
Theo đó, mọi hoạt động bảo đảm, tăng cường quốc phòng và an ninh nhằm giữ vững thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và ổn định đều phải được tổ chức bằng kế hoạch với sự xác định trách nhiệm theo phân cấp lãnh đạo và quản lý, theo trách nhiệm từng ngành, theo vị trí, vai trò và chức năng chủ yếu, theo tiến trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời luôn được đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.
Về nguyên tắc thực hành dân chủ, việc thực hiện các quan điểm chỉ đạo trên luôn tuân theo đúng quy chế thực hành dân chủ của nhân dân, đồng thời được nâng cao chất lượng, hiệu quả hiện thực nhờ phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân. Đây là nguyên tắc xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi tổ chức, lực lượng, người dân, trước hết là lực lượng quốc phòng, an ninh đối với việc bảo đảm, tăng cường quốc phòng và an ninh nhằm giữ vững thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và ổn định cho sự phát triển bền vững. Nội dung nguyên tắc xác định mọi tổ chức, lực lượng của Nhà nước và xã hội đều có trách nhiệm, nghĩa vụ không ngừng tham gia nhằm tăng cường, bảo đảm quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn theo Hiến pháp và pháp luật quy định.
Tất nhiên, những chức năng chuyên biệt, những nhiệm vụ chủ yếu về quốc phòng và an ninh do các lực lượng vũ trang, trước hết là quân đội và công an thực hiện, và đây cũng là lực lượng nòng cốt trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình, mọi tổ chức nhà nước, đoàn thể xã hội và nhân dân không ngừng phát huy tính sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho việc bảo đảm quốc phòng và an ninh nhằm phát triển bền vững trong hòa bình và ổn định lâu dài.