Quan niệm về phòng tránh - đánh trả đã được định hình trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc nước ta trước đây, khi Đảng ta đã sáng suốt phân tích âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm vững so sánh lực lượng theo quan điểm tổng hợp, để lựa chọn giải pháp cơ bản này tiến hành chiến tranh nhân dân đất đối không nhằm bảo vệ miền Bắc. Phòng tránh và đánh trả đều mang tính chủ động, tích cực, bổ sung cho nhau và được coi trọng trong tổng thể phương thức phòng không nhân dân độc đáo. Từ kinh nghiệm thắng lợi trong chống chiến tranh phá hoại, lý luận phòng tránh đánh trả trong nghệ thuật quân sự của ta hiện nay có bước phát triển mới. Đó là phòng tránh trong điều kiện các cuộc tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao của địch, và đánh trả theo hướng phấn đấu tiến tới dùng vũ khí công nghệ cao để đánh trả vũ khí công nghệ cao. Đó là một nhân tố mới trong phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân hiện nay.
Xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân, xét về mặt nghệ thuật quân sự, được thể hiện trong lý luận về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng ở trình độ cao. Trước đây, trong các cuộc kháng chiến, tác chiến hiệp đồng được thực hiện, nhưng chủ yếu trong từng quân chủng, binh chủng hoặc giữa bộ đội chủ lực của Bộ, bộ đội địa phương với dân quân du kích, tự vệ chiến đấu... Bước vào thời kỳ cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với những sự phát triển khác trong hệ thống tư tưởng - lý luận quân sự của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lý luận về tác chiến hiệp đồng ngày càng được mở rộng. Tác chiến hiệp đồng không chỉ được thực hiện giữa các thứ quân, mà còn đòi hỏi phải hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân chủng, binh chủng nhằm phát huy đúng sở trường cách đánh từng quân, binh chủng, đồng thời tạo ra sự liên kết, bổ sung, bổ khuyết, hỗ trợ lẫn nhau... Tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng ngày càng đạt tới trình độ cao và được thực hiện cả ở phạm vi chiến lược, chiến dịch và hành động chiến đấu của bộ đội. Lý luận về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng ở trình độ cao còn được thể hiện ở những hình thức tác chiến mới như tác chiến bảo vệ biển, đảo, tác chiến phòng thủ quân khu, tác chiến khu vực phòng thủ địa phương, tác chiến có hỗ trợ của hệ thống mạng...
Việc gắn kết giữa xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân trong thời bình với chuẩn bị cho phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc cũng thể hiện sự phát triển lý luận về môi trường tác chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, môi trường tác chiến của ta mới chủ yếu là trên mặt đất, bao gồm các loại địa hình đồng bằng, trung du, miền núi (và sở trường tác chiến là ở trung du và miền núi); các kiểu vùng cư dân như nông thôn, đô thị, vùng sâu vùng xa (và sở trường tác chiến là ở nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị)... Bước vào kháng chiến chống đế quốc Mỹ, môi trường tác chiến trong chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã được mở rộng ra tác chiến trên không, trên biển. Tại chiến trường miền Nam, tác chiến trên biển đã xuất hiện trong vận tải quân sự; tác chiến trong lòng đất được thực hiện ở địa đạo Củ Chi; trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 đã bắt đầu xuất hiện sự phối hợp tác chiến trên bộ, trên không và trên biển. Ngày nay, để đáp ứng điều kiện sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược công nghệ cao, vấn đề môi trường tác chiến đang có những nghiên cứu để tiếp tục mở rộng môi trường tác chiến trên mặt đất, trên không, trên biển, tiến tới những hướng nghiên cứu mới như tác chiến trong môi trường không gian ngầm; tác chiến trong môi trường vũ trụ; tác chiến trong môi trường điện từ…
Yêu cầu khách quan ấy kéo theo sự đòi hỏi phải phát triển mới phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân.
Sự phát triển phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân gắn với phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc còn bao hàm vấn đề xây dựng hậu phương chiến lược trong chiến tranh. Lý luận và thực tiễn lịch sử đều chỉ rõ: nếu không có hậu phương chiến lược vững chắc thì không thể giành chiến thắng trong chiến tranh. Đó là vấn đề có tính quy luật. Trong rất nhiều nhân tố tham gia vào chiến tranh, bao giờ nhân tố kinh tế cũng giữ vai trò nền tảng và là một trong những nhân tố quyết định nhất. Đặc biệt, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nếu xảy ra sẽ là cuộc đọ sức quyết liệt về mọi phương diện, trong đó sức sống của nền kinh tế luôn mang ý nghĩa quyết định. Hơn nữa, vai trò của hậu phương không chỉ là đáp ứng toàn diện những nhu cầu vật chất cho hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, mà sinh hoạt mọi mặt của nhân dân ở hậu phương cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cả tình cảm lẫn tư tưởng đối với binh sĩ ngoài mặt trận. Điều đó càng đặc biệt có ý nghĩa đối với chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân hiện nay nhất thiết phải bao hàm việc chuẩn bị cho nhiệm vụ này.