Cơ sở lý luận về nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Bàn về vai trò tác động quan trọng của quốc phòng đối với sự tồn tại, phát triển của xã hội, nhất là đối với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa khi giành được thắng lợi, V.I. Lênin đã chỉ ra rằng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ”.
y-nghia-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-22-12-202211140708512063-16800805724561036416681-1703753827067161702541-1713193003.jpg
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Ảnh: Báo Chính phủ.

Để bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tất yếu phải chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh. Hãy đề phòng, hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của ta như chăm lo con ngươi của mắt mình.

Có thể nói, quốc phòng - an ninh cũng là một hoạt động tất yếu khách quan xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước. Đó là công việc giữ nước của một quốc gia, bao gồm tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại của nhà nước và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực để phòng thủ đất nước, nhằm giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn hòa bình, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đẩy lùi, ngăn chặn và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô.

Quốc phòng - an ninh vững mạnh tạo ra môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền và chế độ xã hội. Mặt khác, hoạt động quốc phòng - an ninh còn tạo ra những nhu cầu đòi hỏi nền kinh tế phải đáp ứng cho nó; thông qua nhu cầu quốc phòng, an ninh mà nền kinh tế phải sắp xếp, cân đối tỷ lệ các khâu trong quá trình tái sản xuất, đẩy mạnh phát triển toàn diện khoa học và công nghệ để đáp ứng cả nhu cầu dân sinh và nhu cầu quốc phòng - an ninh. Đất nước muốn phát triển ổn định, vững chắc tất yếu phải gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Việc đầu tư cho quốc phòng - an ninh tất nhiên là tốn kém, nhưng cần thiết và hữu ích.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh chính là sự cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược trên cơ sở nhận thức đúng vị trí, vai trò và mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Đây là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời là sự tiếp nối, kế thừa và phát triển kinh nghiệm truyền thống “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” của dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử để khái quát nên quan điểm chiến lược bao trùm trong quá trình đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội. Hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ với nhau cả trong tình hình hiện nay và trong tương lai.

Xuất phát từ điều kiện khách quan và chủ quan, khả năng duy trì hòa bình, ổn định đất nước là khả năng ưu trội, cho phép nước ta tập trung vào nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn mưu toan phá hoại thành quả của sự nghiệp đổi mới, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Vì thế, không được xem nhẹ, mất cảnh giác mà phải chủ động đối phó với những tình huống bất trắc, phức tạp có thể xảy ra. Và như vậy, nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình hiện nay phải luôn luôn coi việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng an ninh là một nhu cầu thường xuyên mang tính cấp thiết, để cách mạng Việt Nam được bảo vệ và tự bảo vệ vững chắc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến