Không ngừng hoàn thiện phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Phát triển nền quốc phòng toàn dân, toàn diện còn gắn với phương thức vận hành linh hoạt nhằm đấu tranh có hiệu quả với cuộc tiến công nhiều mặt của các thế lực thù địch ngay trong thời bình, đồng thời sẵn sàng và linh hoạt chuyển sang tiến hành chiến tranh nhân dân trong thời chiến.
98987ae0432a064ef3ba7dc656a1c9e2un-c3-b4-c3-b4-c3-b4-c3-b4citled-1694527927.jpg
Luyện tập chống khủng bố ở Tiểu đoàn Đặc công 18. Ảnh: Quốc phòng Thủ đô.

Cuộc đấu tranh trong thời bình bao gồm chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống các hành động vũ trang xâm nhập và phá hoại ở các mức độ khác nhau. Nền quốc phòng toàn dân nhằm vào các đối tượng có thể tiến công phá hoại để xây dựng và bố trí các lực lượng phù hợp đủ khả năng đánh bại hoạt động chống phá của kẻ thù. Do vậy, vấn đề hàng đầu trong vận hành nền quốc phòng là vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống.

Còn khi chiến tranh xảy ra, trên cơ sở dự kiến các phương án tiến hành chiến tranh nhân dân, thì phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc một mặt phải phát huy tác dụng cao nhất của tất cả các tiềm lực quốc phòng - quân sự đã được chuẩn bị nhằm giành thắng lợi trên chiến trường, mặt khác vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thời chiến.

Phương thức toàn dân, toàn diện, linh hoạt trong vận hành nền quốc phòng cũng gắn với nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Trong thời bình, cần tiến hành các biện pháp chính trị là chính để đấu tranh có hiệu quả. Song, với các hành động gây rối, bạo loạn, luôn có biện pháp kiên quyết về quân sự, xử lý nhanh gọn, kịp thời. Mọi hành động chần chừ, do dự sẽ tạo điều kiện cho kẻ thù tập hợp lực lượng, móc nối với bọn phản động ngoài nước, mở rộng các hoạt động chống đối quyết liệt hơn.

Khi chiến tranh xảy ra, nguyên lý tiến hành chiến tranh nhân dân là nền tảng để trực tiếp phát triển và hoàn thiện phương thức tác chiến của lực lượng vũ trang nhằm tối ưu hóa sự kết hợp con người và vũ khí, nhất là trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Đồng thời, đó là sự chuẩn bị các phương án phòng thủ dân sự để giảm tối đa sự tổn thất.

Xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đầu chiến tranh đòi hỏi phải chuẩn bị trực tiếp cho phương thức phát huy nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, trong đó cốt lõi là nghệ thuật quân sự đặc sắc của lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong phát triển nghệ thuật quân sự, sự đổi mới tư duy lý luận về phòng, tránh - đánh trả nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch là một thành tựu quan trọng. Quan niệm về phòng, tránh - đánh trả đã được định hình trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc nước ta trước đây, khi Đảng ta đã sáng suốt phân tích âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm vững so sánh lực lượng theo quan điểm tổng hợp, để lựa chọn giải pháp cơ bản tiến hành chiến tranh nhân dân đất đối không nhằm bảo vệ miền Bắc. Phòng, tránh và đánh trả đều mang tính chủ động, tích cực, bổ sung cho nhau và được coi trọng trong tổng thể phương thức phòng không độc đáo.

3c32a6705fd2d50ce3e83ea2f8b5db8e-dsc1748-copy-1694528237.jpg
Bộ đội địa phương quận Hoàng Mai thực binh tiến công địch đổ bộ đường không. Ảnh: Quốc phòng Thủ đô.

Từ kinh nghiệm thắng lợi trong chống chiến tranh phá hoại, lý luận phòng, tránh đánh trả trong nghệ thuật quân sự của ta hiện nay có bước phát triển mới. Đó là phòng, tránh trong điều kiện các cuộc tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao của địch, và đánh trả theo hướng phấn đấu tiến tới dùng vũ khí công nghệ cao để đánh trả vũ khí công nghệ cao. Đó là một nhân tố mới trong phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân hiện nay.

Xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân, xét về mặt nghệ thuật quân sự, được thể hiện trong lý luận về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng ở trình độ cao. Trước đây, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tác chiến hiệp đồng được thực hiện, nhưng chủ yếu trong từng quân chủng, binh chủng hoặc giữa bộ đội chủ lực của Bộ, bộ đội địa phương với dân quân du kích, tự vệ chiến đấu,... Bước vào thời kỳ cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, cùng với những sự phát triển khác trong hệ thống tư tưởng - lý luận quân sự của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lý luận về tác chiến hiệp đồng ngày càng được mở rộng.

Tác chiến hiệp đồng không chỉ được thực hiện giữa các thứ quân, mà còn đòi hỏi phải hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân chủng, binh chủng nhằm phát huy đúng sở trường cách đánh từng quân, binh chủng, đồng thời tạo ra sự liên kết, bổ sung, bổ khuyết, hỗ trợ lẫn nhau,... Tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng ngày càng đạt tới trình độ cao và được thực hiện cả ở phạm vi chiến lược, chiến dịch và hành động chiến đấu của bộ đội. Lý luận về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng ở trình độ cao còn được thể hiện ở những hình thức tác chiến mới như tác chiến bảo vệ biển đảo, tác chiến phòng thủ quân khu, tác chiến khu vực phòng thủ địa phương, tác chiến có hỗ trợ của hệ thống mạng..

Việc gắn kết giữa xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân trong thời bình với chuẩn bị cho phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc cũng thể hiện sự phát triển lý luận về môi trường tác chiến. Ở thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, môi trường tác chiến của ta mới chủ yếu là trên mặt đất, bao gồm các loại địa hình đồng bằng, trung du, miền núi (và sở trường tác chiến là ở trung du và miền núi); các kiểu vùng dân cư như nông thôn, đô thị, vùng sâu vùng xa (và sở trường tác chiến là ở nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị),... Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, môi trường tác chiến trong chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã được mở rộng ra tác chiến trên không, trên biển.

Tại chiến trường miền Nam, tác chiến trên biển đã xuất hiện trong vận tải quân sự; tác chiến trong lòng đất được thực hiện ở địa đạo Củ Chi; trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 đã bắt đầu xuất hiện sự phối hợp tác chiến trên bộ, trên không và trên biển. Ngày nay, để đáp ứng điều kiện sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược công nghệ cao của địch nếu xảy ra, vấn đề mở rộng môi trường tác chiến đang có những nghiên cứu để tiếp tục mở rộng môi trường tác chiến trên mặt đất, trên không, trên biển, tiến tới những hướng nghiên cứu mới như tác chiến trong môi trường không gian ngầm (lòng đất, lòng nước); tác chiến trong môi trường vũ trụ; tác chiến trong môi trường điện từ,... Yêu cầu khách quan ấy kéo theo sự đòi hỏi phải phát triển mới phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân hiện nay.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến