Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đầu chiến tranh (Phần 2)

Để tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, cần nghiên cứu biên chế thêm đối với cấp binh đoàn của quân khu các đơn vị hỏa lực pháo binh, vũ khí chống tăng, hỏa lực phòng không, tác chiến điện tử, công binh, thông tin,... Sau khi động viên, các đơn vị nhanh chóng hoàn chỉnh tổ chức, biên chế, trang bị, đưa nhanh vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và có thể chiến đấu được ngay.
171118ha28-1693925562.jpg
Khẩu đội Đại Liên thuộc Tiểu đoàn 9 tiêu diệt, chế áp các mục tiêu. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Quá trình sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đồng thời là quá trình huấn luyện bổ sung theo phương án phòng thủ chiến lược của từng hướng. Cùng với các biện pháp ổn định tổ chức, biên chế, đổi mới vũ khí trang bị, công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cần nhanh chóng củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng của các tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy các cấp, tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chiến đấu cho bộ đội trong tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, sẵn sàng đối phó thắng lợi với địch tiến công bằng vũ khí công nghệ cao ngay từ đầu.

Đối với lực lượng dự bị động viên, trong thời bình, đi đôi với giảm lực lượng thường trực cần quan tâm xây dựng đủ số lượng các đơn vị dự bị động viên có chất lượng cao. Khi có tình huống chiến tranh, cần kịp thời huy động lực lượng nhanh, bí mật, đủ quân số theo kế hoạch chiến lược, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tính biến động khẩn trương của tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh.

Trên cơ sở làm tốt công tác tổ chức, xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên từ thời bình, sau khi động viên cần coi trọng củng cố tổ chức, biên chế trang bị của các đơn vị, nhanh chóng triển khai công tác huấn luyện bổ sung, đưa nhanh vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngay sau khi động viên, việc tổ chức, biên chế các đơn vị dự bị động viên cần chú ý xen kẽ giữa đơn vị cũ và đơn vị mới, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng chiến trường. Đặc biệt, cần thực hiện tốt phương châm lấy động viên, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để bổ sung cho từng hướng chiến lược là chính, hạn chế di chuyển xa, nhằm sẵn sàng chiến đấu được ngay từ đầu, đánh địch có hiệu quả.

Đối với lực lượng dân quân tự vệ, thời bình cần duy trì quân số hợp lý, thường xuyên củng cố tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng phát triển đảng viên trong lực lượng. Việc tổ chức, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cần coi trọng cả lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu một cách phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ tác chiến của địa bàn và yêu cầu đánh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trên hướng biển cần nâng cao tỷ lệ dân quân tự vệ biển, coi trọng tổ chức các đơn vị dân quân tự vệ cơ động ở các mục tiêu phòng thủ then chốt của khu vực phòng thủ địa phương, các địa bàn chiến lược trọng yếu, quan trọng.

Khi có tình huống chiến tranh, lực lượng dân quân tự vệ được mở rộng quân số theo yêu cầu thời chiến, tăng cường tổ chức, biên chế. Về trang bị, cần bổ sung vũ khí, nhất là vũ khí phòng không, vũ khí chống tăng, các loại súng bắn tỉa, các loại mìn có tính năng tương đối hiện đại để nâng cao khả năng tác chiến đánh địch tiến công, bảo vệ địa bàn, tiêu hao rộng rãi quân địch trong thời kỳ đầu và trong suốt quá trình tác chiến.

Ở hướng chiến lược chủ yếu, các địa bàn trọng điểm hoặc gặp khó khăn, có thể phân tán một bộ phận bộ đội địa phương của huyện, tỉnh để làm nòng cốt xây dựng dân quân tự vệ, tăng cường khả năng tác chiến đánh địch bảo vệ địa phương, phối hợp với các hoạt động tác chiến và đấu tranh của bộ đội chủ lực. Cần chú trọng xây dựng, chuẩn bị phương án trụ bám cho lực lượng dân quân tự vệ, bí mật đánh địch ở phía sau khi chúng tiến công vượt qua. Việc điều chỉnh tổ chức, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ trong tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh cần linh hoạt, phù hợp với khả năng, hình thức tác chiến, đối tượng cụ thể trên từng hướng chiến lược và không gây xáo trộn lớn cho việc gắn với địa bàn, cơ sở sản xuất.

171118ha21-1693925189.jpg
Bộ binh xung phong tiêu diệt mục tiêu. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhất thiết phải được đặt trên tiền đề nâng cao chất lượng huấn luyện cơ bản. Công tác huấn luyện cho các lực lượng trong tác chiến thời kỳ đầu chiến tranh cần có kế hoạch, nội dung sát hợp đối với các đặc điểm, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến của từng quân khu, của từng hướng chiến lược và của từng lực lượng. Cần tập trung huấn luyện nâng cao khả năng cơ động dịch chuyển, ngụy trang, nghi binh, giữ bí mật, phòng, chống đòn tiến công hỏa lực đường không của địch cho tất cả các lực lượng; huấn luyện cho bộ đội cách xây dựng công sự trận địa, phòng, chống vũ khí công nghệ cao của địch,...

Công tác huấn luyện các đơn vị cần dựa vào các phương án, kế hoạch đã dự kiến, tập trung huấn luyện theo phương án chính, quan tâm đến dự kiến các phương án khác. Với các đơn vị chủ lực của Bộ, quân khu, tập trung huấn luyện tác chiến tiến công ở các quy mô là chính, đánh địch đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển, tiến công vượt điểm, đồng thời coi trọng huấn luyện tác chiến phòng ngự cả ngày và đêm, trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến