Xây dựng thế trận quốc phòng rộng khắp thời bình (phần 1)

Trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay, cần kế thừa truyền thống “chúng chí thành thành” để sẵn sàng phát triển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi xuất hiện tình huống đòi hỏi.
the-tran-long-dan-211220-1726758441.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Lập (Quảng Trị) hướng dẫn nhân dân trồng cây bời lời, nhằm giúp nâng cao đời sống, tiến tới xóa đói, giảm nghèo... Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đó không phải là thế trận để “chờ” đối phó với chiến tranh, mà là thế trận được tổ chức và bố trí theo mục tiêu xây dựng đất nước kết hợp với làm thất bại cuộc tiến công nhiều mặt của các thế lực thù địch ngay trong điều kiện hòa bình, để khi chiến tranh xảy ra thì tất cả các cơ sở, tiền đề đã được chuẩn bị sẽ chuyển thành sức mạnh vật chất một cách có tổ chức nhằm phát huy được hiệu quả đánh thắng kẻ thù xâm lược. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân.

Để thực hiện tốt sự kết hợp này, phải coi trọng xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân phải thực sự là của người dân, kết hợp chặt chẽ giữa lao động sản xuất với sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm “địch đến là ta đánh, địch đi là ta sản xuất”. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân thực chất là xây dựng và củng cố các điều kiện tổng thể về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... nhằm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đẩy nhanh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đồng thời xử lý các vấn đề phương hại đến an ninh quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế. Và theo đó, thế trận an ninh phải gắn với thế trận quốc phòng.

Việc gắn kết giữa thế trận quốc phòng với thế trận an ninh đòi hỏi thế trận an ninh nhân dân cần được bố trí, triển khai toàn diện trên từng địa bàn theo ý đồ chiến lược được xác định, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; thích đáng với các hoạt động của đối tượng và đối tác nhằm vừa chống “giặc ngoài”, vừa chống “thù trong”. Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân cần được xây dựng và phát triển cả bề rộng và chiều sâu, kết hợp các biện pháp quản lý nhà nước bằng pháp luật với các biện pháp nghiệp vụ, vừa chủ động phòng ngừa, vừa tích cực tiến công kẻ địch và các phần tử tội phạm.

Từ lý luận và thực tiễn về chiến tranh và hòa bình cho thấy, sức mạnh của tác chiến trong chiến tranh phụ thuộc rất lớn vào thế trận lòng dân. Đây là cơ sở để động viên mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, động viên chính trị - tinh thần cho tác chiến phòng thủ và thực hiện nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc. Thế trận lòng dân luôn là chỗ dựa vững chắc, là niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn thử thách, đứng vững trước những khó khăn thử thách của tác chiến phòng thủ chiến lược và cả cuộc chiến tranh.

Thế trận lòng dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng chính là thế trận trong đó nhân dân không chỉ là người ủng hộ, mà thực sự là chủ thể đông đảo nhất và mấu chốt nhất. Không chỉ đóng góp sức người, sức của vào tiềm lực, sức mạnh quân sự nhà nước, nhân dân còn trực tiếp tham gia phòng thủ dân sự, phục vụ chiến đấu và vũ trang chiến đấu, tạo nên sức mạnh chiến tranh nhân dân nhiều tầng và thế đánh địch rộng khắp.

Để xây dựng thế trận lòng dân đáp ứng đòi hỏi của vấn đề chiến tranh và hòa bình, nhất thiết phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, các chủ trương, chính sách được đề ra phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, đồng thời tạo thuận lợi cho nhân dân thực hiện. Mỗi người dân phải thực sự thấm nhuần sâu sắc rằng bảo vệ Tổ quốc ngày nay luôn có sự gắn kết giữa bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ chính trị và nền tảng kinh tế - xã hội với bảo vệ tính mạng, tài sản, cuộc sống lao động hòa bình cùng những giá trị nhân văn của người dân. Việc hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân trong đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng, việc huy động mọi tiềm lực to lớn của nhân dân ngay từ ngày đầu chiến tranh... luôn gắn với các chính sách xã hội nhằm bồi dưỡng sức dân và nâng cao dân trí ngay từ thời bình cũng như suốt quá trình tiến hành chiến tranh.

dien-bien-211220b-1726758441.jpg
Cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn bộ binh (Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) phát quang đường liên bản, khơi thông cống rãnh thoát nước, tạo diện tạo đường giao thông nông thôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Ngay từ thời bình, cần đặc biệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quan tâm thực sự và có những biện pháp tích cực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời làm tốt công tác chính sách xã hội và chính sách với các lực lượng vũ trang. Cần phải luôn quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở thực sự vững mạnh, hoạt động có chất lượng, hiệu quả.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm củng cố cơ sở chính trị - xã hội ở những địa bàn trọng điểm, xung yếu; nơi cơ sở chính trị - xã hội yếu kém, có những vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo do lịch sử để lại; nơi có những nhân tố nội sinh dễ xảy ra bất ổn chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng với việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các lực lượng vũ trang về nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, cần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là nâng cao ý thức quốc phòng của người dân.

Khi có tình huống chiến tranh, cần khẩn trương điều chỉnh tổ chức cán bộ, kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp, chuyển trọng tâm công tác sang nhiệm vụ chuẩn bị đất nước, chuẩn bị địa phương sẵn sàng đánh địch tiến công xâm lược. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn tiến hành chiến tranh của địch, xây dựng lòng tin, củng cố quyết tâm chiến đấu cho lực lượng vũ trang và nhân dân.

Việc phát huy quyền làm chủ thực sự của quần chúng nhân dân phải gắn chặt với xây dựng, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tích cực tham gia các hoạt động chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đấu tranh bảo vệ địa phương. Đồng thời, ngay trong điều kiện ác liệt của chiến tranh, cần tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức cho nhân dân kiên định đấu tranh phòng chống, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá, chia rẽ, phá hoại của địch; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền, tin tưởng, yêu mến chế độ, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng vũ trang... Chỉ có như vậy thì thế trận lòng dân của ta mới đủ sức vượt qua thử thách chiến tranh, liên tục phát triển rộng khắp, bền vững, làm điểm tựa thực hiện các mục tiêu chiến lược của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến