Chiến sĩ mới Trung đoàn Gia Định thực hiện kỹ thuật đánh thuốc nổ. Ảnh DUY HIẾU
Trong điều kiện những đặc điểm mới hết sức phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, việc tạo nguồn xây dựng hậu phương chiến lược cơ bản và chủ yếu nhất vẫn phải là xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự. Ngoài nguồn chủ yếu do Nhà nước đảm nhiệm, còn có nguồn bảo đảm từ các tổ chức kinh tế theo sự chỉ đạo của Nhà nước, nguồn từ sự ủng hộ trực tiếp của nhân dân và nguồn tự sản xuất của lực lượng vũ trang. Đồng thời, trong giao lưu và hội nhập quốc tế, cần quán triệt sâu sắc quan điểm tranh thủ ngoại lực trên cơ sở sự hợp tác song phương, đa phương nhằm tiếp cận và tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những nhân tố đó tạo tiền đề cơ bản cho phát triển kinh tế quốc phòng hiện đại.
Quá trình xây dựng tiềm lực kinh tế - quân sự vừa nhằm tạo nguồn bảo đảm vững chắc, vừa nhằm dự trữ, bổ sung vật chất quân sự cho lực lượng vũ trang, cho hậu phương chiến lược trong nền quốc phòng toàn dân, sẵn sàng cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, đủ sức đáp ứng, bổ sung vật chất quân sự một cách liên tục trong suốt tiến trình chiến tranh. Đảng ta nhất quán quan điểm: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại..”. Đó là một điểm nhấn quan trọng trong phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay.
Xây dựng hậu phương chiến lược của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải dựa chắc trên nền tảng nhân dân thì mới có thể kết hợp chặt chẽ giữa phương thức bảo đảm tại chỗ với phương thức bảo đảm từ nơi khác đến để hình thành bảo đảm hậu cần quân sự theo khu vực hoàn chỉnh. Từ những đặc điểm mới của chiến tranh nhân dân hiện đại, các phương thức bảo đảm mới sẽ dần dần được hình thành và phát triển một cách phù hợp, nhất là phương thức bảo đảm hậu cần cơ động trên cơ sở huy động sức mạnh của thế trận hậu cần toàn dân. Đó là những phương thức bảo đảm thích hợp để tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương, tạo cơ sở thuận lợi cho tác chiến của bộ đội chủ lực trong thế trận hiệp đồng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đó không những đòi hỏi sự nỗ lực lớn và năng động của các ngành hậu cần, mà còn phải dựa chắc vào sự giúp đỡ trực tiếp của quần chúng nhân dân trên từng địa bàn hoạt động của các đơn vị lực lượng vũ trang. Chỉ như vậy thì mới tạo nên những khả năng bảo đảm hậu cần dồi dào, kịp thời và chủ động cho các lực lượng vũ trang chiến đấu thắng lợi, dù trong đánh nhanh hay đánh lâu dài, dù cho kẻ địch có thể tấn công từ bất kỳ hướng nào.
Xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu của chiến tranh, sẵn sàng chuyển sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thể hiện tập trung và trực tiếp nhất ở việc tổ chức toàn dân đánh giặc. Đó là sự chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các nguyên tắc về kết hợp chặt chẽ tác chiến của các khu vực phòng thủ với tác chiến của các binh đoàn chủ lực nhằm huy động và phát huy sức mạnh toàn dân; đồng thời kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang, phi vũ trang, trong đó đấu tranh vũ trang là nòng cốt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng.
Sự phát triển lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Việt Nam hiện nay quán triệt sâu sắc phương thức sử dụng vũ lực trong bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Khi chiến tranh xảy ra thì phương thức chủ yếu là đấu tranh vũ trang nhằm đối phó với kẻ thù xâm lược. Ngay cả trong thời bình, tuy phương thức phi vũ trang là chủ yếu nhằm chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của địch, nhưng cũng không thể lơ là việc thường xuyên mài sắc vũ khí đấu tranh vũ trang. Trong công cuộc vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay, nhất thiết phải tìm ra cách thức tối ưu để kết hợp chặt chẽ các hình thức, quy mô, biện pháp đấu tranh vũ trang, kết hợp tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực, đồng thời kết hợp lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng... Việc thấu triệt phương châm cơ bản ấy làm cho sự vận hành nền quốc phòng luôn được định hướng chặt chẽ nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp và đối phó thắng lợi mọi thủ đoạn của địch, sẵn sàng chuyển đất nước sang thời chiến.