Dù là nước phát triển, đang phát triển hay chậm phát triển, chế độ chính trị xã hội khác nhau thì cũng đều phải chú ý quan tâm, chăm lo “phòng thủ để phát triển”, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội phải đi đối với tăng cường quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, với các nhà nước khác nhau, chế độ chính trị xã hội khác nhau và trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau thì sự gắn kết đó có mục tiêu, quan điểm, chủ trương và nội dung, phương thức thực hiện cũng khác nhau.
Ở nước ta, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh không chỉ là một tất yếu khách quan, là vấn đề có tính quy luật, mà còn là truyền thống có lịch sử lâu dài luôn gắn liền với lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Các triều đại phong kiến, đứng trước nguy cơ thường xuyên bị các thế lực bên ngoài đe dọa, xâm lược và thôn tính, để tồn tại, phát triển đã luôn lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm trọng, đề ra kế sách giữ nước với tư tưởng “nước lấy dân làm gốc, khoan thư sức dân làm kế sách sâu rễ bền gốc”, “quốc thái dân an”, “quốc phú binh cường”, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” để “yên dân” mà “vẹn đất”.
Khi đất nước hòa bình thì luôn chăm lo củng cố thế trận phòng thủ, xây dựng tiềm lực và thực lực quân sự theo hướng “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”. Trong xây dựng, phát triển kinh tế đã thực hiện nhiều chính sách như khai hoang lập ấp ở những nơi xung yếu để “phục binh sẵn, phá thế giặc dữ” từ xa; phát triển nghề thủ công vừa chế tạo công cụ sản xuất, vừa chế tạo vũ khí cho toàn dân đánh giặc; chăm lo mở mang đường sá, đào sông ngòi, kênh rạch, xây đắp đê điều lấn biển vừa phát triển kinh tế, vừa tạo thế trận đánh giặc và cơ động lực lượng trong chiến tranh giữ nước. Cùng với kế sách phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, ông cha ta đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng hiền tài, lấy nhân nghĩa làm điều cốt yếu để dựng nước và giữ nước.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, do nắm vững quy luật, biết kế thừa kinh nghiệm lịch sử nên đã thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh một cách nhất quán bằng những chủ trương sáng tạo, phù hợp với từng thời kỳ và tình hình phát triển của cách mạng Việt Nam, nhất là từ sau năm 1945 đến nay.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Đảng đề ra chủ trương “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”; tiến hành phát triển kinh tế ở hậu phương với tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp ở mọi nơi địch đến; xây dựng “làng kháng chiến”, địch đến thì đánh, địch lui ta lại tăng gia sản xuất. Thực hiện khẩu hiệu: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh được Đảng chỉ đạo thực hiện ở từng miền với hình thức, nội dung và biện pháp thích hợp. Miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng hậu phương lớn. Miền Nam gắn kết chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố, mở rộng hậu phương chiến lược, xây dựng căn cứ địa vững mạnh.
Trong thời kỳ này, do phải tập trung cao độ cho cả hai nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam nên việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng nhưng thiết thực, chủ yếu trên địa bàn các tỉnh miền Bắc.
Điều đó đã góp phần tạo ra thế và lực xây dựng hậu phương lớn miền Bắc vững chắc để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đồng thời rút ra được nhiều kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.