Đồng thời, phải kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban ngành điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng tránh, sơ tán; xây dựng công sự hầm, hào, ngụy trang, giữ bí mật; chỉ đạo kiện toàn hệ thống quan sát, thông báo báo động, hệ thống phòng thủ dân sự, hệ thống hỏa lực phòng không ở địa phương để phòng tránh, đánh trả có hiệu quả, nhanh chóng khắc phục hậu quả và ổn định tình hình mọi mặt của địa phương.
Lực lượng vũ trang địa phương là nòng cốt trong phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả, do vậy cần thực hiện tốt các biện pháp trinh sát, quan sát, thông báo báo động, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng tránh, khắc phục hậu quả, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, giữ vững tinh thần, ý chí quyết tâm của nhân dân và lực lượng vũ trang. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể căn cứ vào kế hoạch phòng tránh, sơ tán của địa phương để chủ động triển khai tuyên truyền vận động nhân dân và tích cực xây dựng công sự, hầm hào, làm tốt công tác ngụy trang, giữ bí mật; đồng thời triển khai phương án tác chiến tự bảo vệ cơ quan, phối hợp cùng các lực lượng địa phương khắc phục hậu quả, vận chuyển, cứu chữa thương binh...
Phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả địch tiến công hỏa lực là công việc rất phức tạp, diễn ra trên diện rộng ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh. Do đó, các địa phương, các cấp, các ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo cả về con người, tổ chức và trang bị, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho các bộ phận ngay từ trong thời bình. Đặc biệt là đối với công tác phòng không nhân dân. Từ thời bình đã cần chủ động, tích cực kiện toàn hệ thống phòng không nhân dân, chăm lo xây dựng lực lượng phòng không của dân quân tự vệ. Khi chiến tranh xảy ra, từng cấp phải kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng không nhân dân, kế hoạch phòng thủ dân sự từ cơ sở, huyện, thị đến tỉnh, thành phố.
Đánh địch tiến công nhằm giữ vững khu vực phòng thủ là một nhiệm vụ quân sự trực tiếp của các địa phương trong chiến tranh. Khi tiến công vào khu vực phòng thủ, địch có thể đồng thời hoặc lần lượt tiến công bằng đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không hoặc tiến công đường bộ; có thể đánh chiếm các huyện phía trước, sau đó phát triển đánh chiếm mục tiêu trọng yếu, cũng có thể ngay từ đầu đánh thẳng vào các mục tiêu trọng yếu ở các địa phương nằm sâu trong nội địa bằng tiến công vượt điểm. Do vậy, cấp ủy và chính quyền các địa phương phải thường xuyên nắm chắc, bám sát tình hình nhằm định ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Cùng với tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương, cần chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể triển khai hoạt động đấu tranh phối hợp; huy động sức mạnh tổng hợp của địa phương triển khai công tác phục vụ và bảo đảm chiến đấu; chỉ đạo công tác động viên thời chiến và bảo đảm an ninh chính trị, dập tắt các cuộc bạo loạn ở địa phương.
Các lực lượng vũ trang địa phương, căn cứ vào ý định tác chiến của quân khu và Bộ Quốc phòng, cũng như chủ trương của cấp ủy và chính quyền, thường xuyên bám sát, nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời điều chỉnh quyết tâm chiến đấu, làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Các hoạt động tác chiến được thực hành kiên quyết và rộng khắp đánh bại lực lượng địch đổ bộ đường biển, đường không, tiến công đường bộ, vu hồi đường sông... nhằm giữ vững khu vực phòng thủ then chốt. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể căn cứ vào chủ trương của cấp ủy, kế hoạch của ủy ban nhân dân, kế hoạch tác chiến của cơ quan quân sự, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch công tác, điều chỉnh lực lượng, triển khai bảo đảm cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu, đồng thời tham gia các hoạt động đấu tranh khác như phối hợp dập tắt bạo loạn, bảo vệ hậu phương, khắc phục hậu quả, sẵn sàng tăng cường chi viện nơi khó khăn...
Việc phối hợp tác chiến cùng bộ đội chủ lực đang triển khai và hoạt động tác chiến trên địa bàn cần được lực lượng vũ trang địa phương tiến hành chu đáo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp tiêu diệt địch, bảo vệ địa bàn. Đó là sự phối hợp tác chiến giữa chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực. Sự phối hợp giữa lực lượng của khu vực phòng thủ với bộ đội chủ lực bảo vệ Tổ quốc diễn ra ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Cấp ủy đảng và chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng nhân dân và trực tiếp tham gia phối hợp đấu tranh chính trị, địch vận, tham gia các mặt công tác bảo đảm, phục vụ tác chiến như: Làm đường, bảo đảm cơ động; xây dựng công trình, công sự; vận chuyển, bảo đảm lương thực, thực phẩm, vật chất cho bộ đội chủ lực tác chiến trên địa bàn. Địa phương còn phải tích cực tham gia giải quyết hậu quả chiến trường, cứu chữa, vận chuyển thương binh; đồng thời đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống cho lực lượng vũ trang và nhân dân.