Cuộc chiến mùa khô 1966 và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phần 1)

Lương Đàm
Về phía địch, ngay từ tháng 1 năm 1966, đế quốc Mỹ đã huy động toàn bộ lực lượng quân Mỹ - ngụy và chư hầu mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường miền Nam. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1966, chúng mở tới 450 cuộc hành quân càn quét, trong đó có 20 cuộc hành quân lớn.
anh-i-h-1689846148.jpg
Tiểu đoàn Quyết Thắng quân Giải Phóng và chiến lợi phẩm thu được trong trận chiến thắng Nhuận Đức, Củ Chi. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Hai hướng phản công chính của địch là miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Khu V. Đây là những địa bàn chiến lược, nơi có vùng giải phóng rộng lớn và là nơi bộ đội chủ lực ta hoạt động mạnh, trực tiếp uy hiếp các căn cứ Mỹ - ngụy. Mục tiêu cuộc phản công của địch là nhằm đánh bại bộ đội chủ lực của ta (mà địch gọi là “bẻ gẫy xương sống cộng sản”), hỗ trợ kế hoạch bình định, củng cố ngụy quyền tay sai, giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường.

Đương nhiên, tất cả các hướng tiến công và phản công của địch đều bị lực lượng vũ trang của ta đánh trả quyết liệt, gây cho chúng nhiều tổn thất lớn. Đến giữa năm 1966, qua nửa năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, quân và dân ta ở miền Nam đã đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của 20 vạn quân Mỹ, chư hầu và gần 50 vạn quân ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu gần 7 vạn tên (trong đó có 3 vạn lính Mỹ), đánh thiệt hại nặng 15 tiểu đoàn (trong đó có 9 tiểu đoàn Mỹ). Về cơ bản, ta đã làm thất bại mục tiêu chính trong cuộc phản công của Mỹ - ngụy.

Đánh giá thắng lợi này, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Đây là một thời kỳ hết sức trọng yếu trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Ta đã giành thắng lợi có tầm quan trọng rất lớn về chiến lược, chiến thuật và chỉ đạo chiến tranh. Ta đã thắng hiệp đầu trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, cả về chính trị và quân sự, mà chủ yếu là thắng về quân sự. Qua thực tiễn chiến đấu, ta đã hiểu rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của quân viễn chinh Mỹ, bước đầu rút ra được những kinh nghiệm quý báu, nhận rõ những quy luật của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thêm quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bị thất bại trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân, ráo riết chuẩn bị mở cuộc phản công lần thứ hai. Mùa Hè 1966, Giônxơn điều gấp sang chiến trường Việt Nam thêm 10 vạn quân. Đến tháng 8 năm 1966, số quân Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên tới gần 30 vạn tên. Số lượng máy bay và số lần máy bay đánh phá miền Bắc trong năm 1966 tăng gấp hai lần so với năm 1965, với gần 500 máy bay chiến thuật, trung bình từ 200 đến 250 lần/chiếc cất cánh trong một ngày.

461-073e9c731a6f-1689846287.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Tháng 7 năm 1966, Hội đồng Quốc phòng tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe báo cáo tình hình ở cả hai miền, nhận định âm mưu mới của địch, quyết định những chủ trương lớn đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.

Ngày 17 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Chiến tranh có thể kéo dài... Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, là lời hịch cứu nước của dân tộc, của truyền thống quật cường mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã động viên mạnh mẽ quân và dân ta đoàn kết một lòng, vượt qua hy sinh thử thách, kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến