Cơ sở lý luận về nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình (Phần 1)

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình gắn với đổi mới, phát triển tư duy lý luận về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh
14-kethop01-1713192665.jpg
Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đồn Biên Phòng Pa Ủ hướng dẫn người dân cách trồng cỏ để chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế, nhằm thay đổi tập tục thả gia súc tự do. Ảnh: TTXVN

Phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh là hoạt động có mục đích, có ý thức của toàn xã hội trên cơ sở nhận thức đúng quy luật khách quan. Kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh vận hành theo quy luật đặc thù, nhưng lại có sự chế ước lẫn nhau và thống nhất ở mục đích chung. Sự gắn kết đó phải được thực hiện một cách khoa học. hợp lý, cân đối, hài hòa thì cả hai lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh mới có thể cùng phát triển.

Nếu quá nhấn mặt này mà xem nhẹ mặt kia, hoặc tách rời, không kết hợp chặt chẽ với nhau thì tất yếu sẽ dẫn đến làm suy kiệt cả hai lĩnh vực và rất có thể còn dẫn tới những hậu quả khó lường. Đặc biệt, khi xem xét giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình mà không gắn với tư duy lý luận về sự gắn kết ấy thì sẽ gây phương hại đến độc lập dân tộc, an ninh quốc gia và chế độ chính trị. 

Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh là hai lĩnh vực khác nhau, hoạt động tuân theo quy luật riêng, nhưng giữa chúng luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau để cùng tồn tại, phát triển trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc. Trong mối quan hệ đó, kinh tế bao giờ cũng giữ vai trò quyết định; quốc phòng - an ninh chịu sự chi phối và phụ thuộc vào kinh tế song có tác động tích cực trở lại đối với kinh tế, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Khi bàn về vai trò của kinh tế đối với quốc phòng, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”. Ông cũng khẳng định: Thắng lợi hay thất bại của chiến tranh đều phụ thuộc vào điều kiện của kinh tế... Bởi lẽ, mọi cơ sở vật chất, mọi trang bị và phương tiện vũ khí của hoạt động quốc phòng đều do kinh tế cung cấp.

Rõ ràng, ảnh hưởng của kinh tế đến quốc phòng là vấn đề tất yếu. Kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, trình độ trang bị, phương tiện vũ khí; ảnh hưởng đến cơ cấu, biên chế tổ chức của các lực lượng vũ trang; tác động đến chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch.

Kinh tế còn cung cấp nguồn nhân lực, thành tựu khoa học công nghệ cho quốc phòng - an ninh, ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ đất nước, khả năng động viên kinh tế cho chiến tranh khi tình hình đòi hỏi.

Vì vậy, không thể có quốc phòng an ninh vững mạnh nếu không bắt đầu từ việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, không phải cứ nước nào hễ có kinh tế mạnh là tự khắc có quốc phòng - an ninh mạnh, mà phải thông qua việc tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh một cách chủ động, hợp lý, có chủ đích.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến