Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để vận hành nền quốc phòng toàn dân

Lương Đàm
Sự phát triển lĩnh vực quân sự, quốc phòng của Việt Nam hiện nay quán triệt sâu sắc phương thức vũ trang trong bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
6589951380433e973d2f57cf11823b105d65d43d5954ae819a5be603-1694526453.jpg
Diễu binh kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo.

Khi chiến tranh xảy ra thì phương thức chủ yếu là vũ trang nhằm đối phó với kẻ thù xâm lược. Ngay cả trong thời bình, tuy phương thức phi vũ trang chủ yếu nhằm chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của địch, nhưng cũng không thể lơ là việc thường xuyên mài sắc vũ khí đấu tranh vũ trang. Trong công cuộc vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay, nhất thiết phải tìm ra cách thức tối ưu để kết hợp chặt chẽ các hình thức, quy mô, biện pháp đấu tranh vũ trang, kết hợp tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực, đồng thời kết hợp lực lượng vũ trang với lực lượng chính trị trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng.

Việc thấu triệt phương châm cơ bản ấy làm cho sự vận hành nền quốc phòng luôn được định hướng chặt chẽ nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp đối phó thắng lợi mọi thủ đoạn của địch, sẵn sàng chuyển toàn bộ đất nước sang thời chiến khi có tình huống chiến tranh.

Phát triển phương thức đấu tranh vũ trang sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch là cực kỳ cần thiết, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều nội dung cơ bản, trên nhiều lĩnh vực xã hội. Trước hết, đó là nghiên cứu làm rõ những đặc điểm mới của chiến tranh hiện đại, đặc biệt là sự tác động của chiến tranh công nghệ cao đến nhân dân và quân đội; từ đó kiên định quán triệt và thực hiện thành công quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ đất nước. Chiến tranh càng hiện đại càng đòi hỏi nguồn nhân lực phục vụ cho chiến tranh được chuẩn bị tốt cả về số lượng và chất lượng, đồng thời chuẩn bị tốt cả cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho chiến tranh.

Phương thức đấu tranh vũ trang sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch còn bao hàm vấn đề chuẩn bị phương án hợp lý, biện pháp hữu hiệu bảo toàn được tiềm lực trong thời kỳ đầu chiến tranh, đồng thời tập trung phát triển tiềm lực quân sự, từng bước khái quát khoa học những vấn đề nghệ thuật quân sự. Hơn nữa, cần tiếp tục chính sách kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trong điều kiện mới; nắm chắc và xác định rõ đối tượng, đối tác để có các phương án tối ưu chuẩn bị tiềm lực tổng hợp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nếu chiến tranh xảy ra.

Xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân hướng tới đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đầu chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc còn là sự chuẩn bị trực tiếp cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và thực hiện chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong cả hai chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, trong bối cảnh thế giới đương đại thì vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ xa là cực kỳ cấp thiết phù hợp với xu thế tăng cường môi trường hòa bình, ổn định của mọi quốc gia, dân tộc. Với chủ trương “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước”, với đường lối đối ngoại mềm dẻo của Đảng và chính sách mạnh dạn mở cửa, hội nhập của Nhà nước, ta đã xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác quốc tế cùng phát triển.

Hơn nữa, việc mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là với các cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đẩy mạnh và có nhiều nét khởi sắc. Đó là một trong những điều kiện khách quan tổng thể để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm huy động và phát huy sức mạnh của các lực lượng ở trong nước và các lực lượng quốc tế tăng cường bảo vệ Tổ quốc từ xa. Đồng thời, chúng ta đang xúc tiến mạnh mẽ việc tăng cường sức mạnh quân sự nhà nước, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội để có thể thực hiện chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc từ xa.

cong-dong-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-hoa-chung-niem-tu-hao-nhan-ngay-quoc-khanh-1-1694526655.jpg
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Quảng trường Gwanghwamun, trung tâm Thủ đô Seoul. Ảnh: TTXVN.

Sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và thực hiện chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc từ xa cũng gắn với phát triển lý luận về nhiệm vụ mới của quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hoặc tham gia các hoạt động quân sự chung của khu vực theo các hiệp ước quốc tế, chẳng hạn đối với nước ta trong tư cách thành viên của Liên hợp quốc, ASEAN,... Trước những điểm mới của bức tranh chính trị - quân sự thế giới, việc quân đội ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới, cũng như tham gia hoạt động quân sự của các tổ chức mà nước ta là thành viên, vừa đáp ứng đòi hỏi của cộng đồng quốc tế vừa tạo nên thế và lực mới bảo vệ Tổ quốc trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.

Một khía cạnh mới khác là cần tăng cường khả năng ngăn ngừa và răn đe quân sự của nền quốc phòng Việt Nam. Trên thực tế, có những nước điều kiện phát triển kinh tế chỉ tương đương với ta, nhưng đã chú ý phát triển rất mạnh khả năng này. Đương nhiên, quá trình này cần được tiến hành rất cẩn trọng, vừa phải năng động, sáng tạo và mạnh dạn, vừa phải giữ vững nguyên tắc, đặc biệt là tránh những vấn đề nhạy cảm quốc tế không có lợi cho ta.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến