Những điều tác động trực tiếp đến vấn đề chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam (Phần 1)

Lương Đàm
Trong bối cảnh thế giới đương đại, với chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thời gian tới rất khó có khả năng xảy ra xung đột vũ trang hoặc chiến tranh đối với nước ta.
3-khung-01-1688949595823-1709741773.jpg
Bắt giữ nhóm đối tượng khủng bố ở Đắk Lắk. Ảnh: Báo Công an Nhân dân

Tuy nhiên, ta cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này do diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá mới của các thế lực thù địch có dã tâm về bành trướng chủ quyền lãnh thổ, hoặc nguy hiểm hơn là âm mưu thực hiện mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Xung đột vũ trang có thể xảy ra ở nhiều tầng nấc khác nhau tùy theo các tình huống chiến lược đã dự báo. Chiến tranh có thể chỉ xảy ra ở một vùng chiến lược hoặc có thể diễn ra đồng thời trên một số vùng chiến lược, thậm chí có thể trên phạm vi cả nước.

Chiến tranh, xung đột vũ trang xảy ra sẽ không chỉ có bó gọn trong lĩnh vực quân sự, mà là các cuộc chiến tranh tổng lực trên tất cả các mặt trận: chính trị, tư tưởng, kinh tế, đối ngoại, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội... Trong các cuộc xung đột vũ trang ở cường độ thấp như tranh chấp biên giới, hải đảo, bạo loạn ly khai có sự tiếp tay từ bên ngoài..., đất nước có thể vừa có trạng thái hòa bình, vừa có chiến tranh.

screenshot-1-1709741797.png
Hiện trường vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, hòa bình ở đây chỉ mang tính tương đối, khi sức mạnh tổng hợp của dân tộc vừa phải tập trung đối phó đánh thắng các thế lực đối địch để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lập lại an ninh, trật tự an toàn xã hội, chống bạo loạn ly khai, vừa phải ngăn chặn, phòng ngừa tình huống chiến tranh lan rộng, leo thang cả về tính chất, địa bàn và quy mô lực lượng.

Trong trường hợp ta phải đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, nhiều khả năng địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, thì khái niệm hậu phương, tiền tuyến chỉ còn mang tính chất tương đối. Để chống xâm lược, toàn bộ đất nước phải chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, nhanh chóng chuyển hóa từ thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) thực hiện làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh (thành phố) giữ tỉnh (thành phố) để bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình chỉ được lập lại khi ta buộc địch phải chịu nhiều tổn thất nặng nề, ý chí xâm lược bị bẻ gãy, không còn cách nào khác là phải rút ra khỏi cuộc chiến.

Nếu chiến tranh hoặc xung đột vũ trang xảy ra, xét ở khía cạnh quân sự, kẻ địch thường chủ động về thời điểm tiến hành chiến tranh và có ưu thế hơn về lực lượng, vũ khí, phương tiện công nghệ cao, đặc biệt nếu ta phải đối đầu với các cường quốc đế quốc hoặc với các tình huống địch xâm phạm chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, kẻ địch cũng phải đối đầu với nhiều khó khăn do tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa không được sự ủng hộ rộng rãi của các lực lượng yêu hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới, phải ý chí chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Địch phải tác chiến xa hậu phương chiến lược, trong điều kiện địa hình thời tiết không thuận lợi, khó có khả năng phát huy được hết tính năng, tác dụng của vũ khí, phương tiện kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến