Một số bài học kinh nghiệm tiêu biểu về chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam trong thời đại mới (Phần 2 và hết)

Đối với dân tộc Việt Nam, vấn đề chiến tranh và hòa bình được đặt ra rất sớm và hầu như gắn chặt với suốt tiến trình lịch sử dân tộc.
2-1705936331.jpg
Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 2/4/1975. Ảnh: TTXVN

Trong thời đại phong kiến, bằng tư tưởng thân dân của các nhà nước phong kiến tiến bộ, truyền thống yêu nước, nhân văn và bề dày văn hóa quân sự, dân tộc ta đã có cách thức riêng rất hiệu quả để giải quyết thỏa đáng vấn đề chiến tranh và hòa bình. Với chiến tranh, người Việt không hề mong muốn, nhưng cũng không hề e sợ. Các hoạt động quân sự giữ nước, phục hưng dân tộc, bảo vệ sơn hà gắn với bảo vệ xã tắc đều gắn kết chặt chẽ với các hoạt động lao động sản xuất, tổ chức xã hội, phát triển đời sống người dân và đối ngoại thân thiện.

Trong thời đại hiện nay, lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn thể hiện sáng ngời hệ quan điểm về nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình dựa trên cơ sở lý luận mácxít, có sự kế thừa truyền thống và di sản văn hóa - lịch sử của dân tộc, đồng thời đặt trên cơ sở hoạt động thực tiễn của cách mạng Việt Nam qua mỗi giai đoạn lịch sử. Toàn bộ sự nghiệp ấy để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển lý luận chiến tranh nhân dân.

anh-3-1705936331.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Giải quyết kịp thời những “điểm nóng” và bức xúc xã hội liên quan đến quốc phòng - an ninh trên từng địa phương

Một trong những kinh nghiệm về giải quyết kịp thời “điểm nóng” trước hết phải tìm hiểu và nắm vững nguồn gốc sâu xa của nó, đồng thời phải làm rõ tính chất hai mặt: mặt dân sự và mặt chính trị - xã hội, từ đó có phương án giải quyết thỏa đáng.

Cần tìm ra “ngòi nổ” để tháo gỡ, gắn với phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những phần tử quá khích. Đặc biệt, việc giải quyết triệt để các “điểm nóng” luôn gắn liền với việc làm trong sạch hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở và tích cực giải quyết các “điểm nóng” ngay từ ở cơ sở. Đó cũng là cách triệt tiêu cơ hội mà địch lợi dụng biến “điểm nóng” thành trận địa xung kích nhằm gây mất ổn định chính trị.

Giải quyết “điểm nóng” đòi hỏi phải tổ chức tốt công tác tiếp dân ở các cấp, nhất là ở cơ sở, để nhân dân có địa chỉ đề đạt nguyện vọng theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra việc thực thi Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng là một kinh nghiệm lớn trong giải quyết “điểm nóng”, không để gây tác hại tới quốc phòng - an ninh và cũng để phát huy vai trò của nhân dân trong tự giải quyết bức xúc, đồng thời làm lộ rõ bộ mặt của các thế lực phản động.

Trong xử lý các “điểm nóng”, một mặt cần khai thác khía cạnh “phản biện” của nó nhằm bổ sung chính sách cho phù hợp, mặt khác cần cảnh giác đề phòng và chống địch lợi dụng thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.

trung-doan-68-20-10-1705936399.jpg
Huấn luyện chuyên ngành pháo binh cho quân nhân dự bị động viên tại Trung đoàn Pháo binh 68. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, giữa tăng cường quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với kế hoạch xây dựng các cụm quốc phòng - an ninh, bố trí thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Đồng thời, kế hoạch quốc phòng an ninh, phương án sẵn sàng chiến đấu, thế bố trí chiến lược của lực lượng vũ trang... đều phải tập trung tạo thuận lợi cho xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh nghiệm cho thấy, kết hợp quốc phòng với an ninh liên quan đến sự phát triển toàn diện của thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh vững chắc, cho phép tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, đồng thời thực hiện những phương án, kế hoạch tác chiến tổng thể, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ trong các nhiệm vụ, từ giữ gìn an ninh chính trị và an toàn xã hội, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ đến các phương án sẵn sàng tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi chiến tranh xảy ra.

Một trong những kinh nghiệm lớn là cần tập trung lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, quy hoạch củng cố khu vực phòng thủ, khu vực phòng tránh, sơ tán; kiểm tra, bổ sung, hoàn chỉnh phương án, kế hoạch của các đơn vị lực lượng vũ trang.

Trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, nếu không chú ý đến các phương án, kế hoạch phòng thủ, tác chiến trị an, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị cũng như các tình huống khác thì sẽ tạo “lỗ hổng lớn” về quân sự, quốc phòng và an ninh. Mối quan hệ đoàn kết giữa các lực lượng vũ trang với các cơ sở kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... cũng chỉ đi vào chiều sâu thực chất khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến