Chiến tranh và hòa bình trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng ta coi việc tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng là một khâu có ý nghĩa then chốt để giành thắng lợi.
anh-kem-bai-1705329287.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở lực lượng chính trị hùng hậu của nhân dân, ta thực hiện chủ trương vũ trang quần chúng đi đôi với xây dựng quân đội nhân dân. Về xây dựng lực lượng vũ trang, ta tổ chức ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong bất kỳ tình huống nào, các lực lượng vũ trang nhân dân cũng đều tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân tộc, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Các lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu nên luôn gắn bó máu thịt với dân, được dân nuôi dưỡng, đùm bọc chở che và phát huy được ưu thế trong việc tổ chức toàn dân đánh giặc. Quân đội nhân dân Việt Nam từ đó không ngừng lớn mạnh, nâng cao sức mạnh chiến đấu, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, hình thành nên biểu tượng cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trên cơ sở kết hợp đúng đắn học thuyết khoa học Mác Lênin về chiến tranh và quân đội với di sản truyền thống quân sự của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa chiến tranh nhân dân Việt Nam phát triển lên trình độ mới, có sự phát triển nhảy vọt về chất. Đó là các cuộc chiến tranh giữ nước thực sự vì dân, do dân và của dân. Mục tiêu chính trị của chiến tranh do Đảng xác định là thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, kết hợp đầy đủ mục đích cứu nước gắn liền với cứu dân, giải phóng Tổ quốc gắn liền với giải phóng nhân dân lao động. Thực tiễn của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã khẳng định sự phát triển toàn diện của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện tính chất tự vệ, nhân đạo, nhân văn của chiến tranh chính nghĩa.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng được phát triển lên tầm cao mới với tư tưởng cách mạng tiến công và phương thức tác chiến đặc trưng lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ thắng hiện đại... được phát huy cao độ. Đó là dựa trên ưu thế tuyệt đối về tinh thần, trí thông minh, sáng tạo của cán bộ và chiến sĩ để tìm ra cách đánh hay, tận dụng và kết hợp các quy mô, các hình thức tác chiến thích hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi, từng vùng chiến lược trong từng giai đoạn của cuộc chiến tranh.

Giai đoạn đầu của từng cuộc kháng chiến, khi sức ta còn yếu thì phải bắt đầu đánh nhỏ, đánh vừa, đánh du kích tiêu hao địch ở khắp nơi, đối với đánh vận động chủ yếu là ở vùng rừng núi để tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước chuyển hóa so sánh lực lượng. Đến khi sức ta đã mạnh thì tiến lên đánh lớn, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng của các binh đoàn chủ lực nhằm tiến công tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch, tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến và kết thúc kháng chiến thắng lợi.

461-1705329287.jpg
Bộ đội Cụ Hồ là biểu trưng của bản lĩnh và nhân cách văn hóa Việt Nam. Ảnh: Internet

Đứng trước kẻ thù ngoại xâm, sự tồn vong của quốc gia - dân tộc thì bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên cứu nước. Không chỉ tiến công địch bằng sức mạnh của dân tộc, chiến tranh nhân dân Việt Nam còn tiến công địch bằng sự quy tụ sức mạnh của thời đại. Trên nền tảng sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và với đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến tranh nhân dân Việt Nam ở thời đại mới đã tạo lập được mặt trận tiến bộ trên thế giới ủng hộ ta về cả tinh thần và vật chất, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để nhân dân Việt Nam chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Với chiến tranh, người Việt không hề mong muốn, nhưng cũng không hề hoảng loạn, e sợ. Nhìn xuyên suốt hai cuộc kháng chiến với cách nhìn tổng thể, đất nước ta thường xuyên ở trong trạng thái chiến tranh, còn trạng thái hòa bình chỉ rất ngắn ngủi và mang tính tương đối sau khi hòa bình lập lại năm 1954 theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ, và ở miền Bắc trong những thời đoạn tạm ngưng của chiến tranh phá hoại.

Do vậy, khát vọng hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta. Toàn bộ công cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng không chỉ nhằm bảo vệ độc lập tự do, thống nhất đất nước mà còn nhằm đem lại một nền hòa bình đích thực, đồng thời góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Kết hợp giữa đánh và đàm nhằm mở mọi cánh cửa có thể cho hòa bình là đặc trưng của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Chấp nhận kháng chiến trường kỳ, không sợ hy sinh gian khổ, nhưng trong điều kiện chiến tranh, chúng ta vẫn tận dụng mọi cơ hội để kết hợp kháng chiến và kiến quốc. Trong khói lửa chiến tranh, đồng ruộng vẫn xanh tốt, nhà máy vẫn mọc lên, trẻ thơ vẫn cắp sách đến trường... Đó chính là những biểu hiện hết sức sống động về khát vọng hòa bình - một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến