Đồng Hỷ: Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đồng Hỷ là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài huyện, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của huyện đã thu được nhiều kết quả tích cực, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… theo hướng nhanh và bền vững. 
nlntv-anh-1-1734597486.jpg
Bế giảng lớp kỹ thuật chế biến món ăn K9

UBND huyện Đồng Hỷ cho biết, địa phương có diện tích tự nhiên 42.773 ha, dân số khoảng 99.090 người, số người trong độ tuổi lao động là 59.877 người (trong đó số lao động có việc làm là 50.797 người, chiếm 51,26% dân số toàn huyện), chủ yếu làm kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Những đặc thù tự nhiên đã mang đến nhiều thuận lợi cho Đồng Hỷ trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đặt ra những khó khăn nhất định, đặc biệt trong vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội… để địa phương có thể bứt phá phát triển nhanh và bền vững.

Nhận thức đúng và trúng những thách thức của địa phương, ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Hỷ đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt các nội dung của Chỉ thị và các chủ trương, chính sách về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, từ đó tạo chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế từng bước phát triển, cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được củng cố vững chắc.

nlntv-anh-2-1734597461.jpg
Khai giảng lớp kỹ thuật chế biến món ăn K10

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cũng là tinh thần chung của tỉnh và địa phương, UBND huyện Đồng Hỷ đã triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết của đào tạo nghề, chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong tuyển dụng lao động và đào tạo nghề…

Theo UBND huyện Đồng Hỷ, giai đoạn 2021-2023, toàn huyện đã tổ chức 18 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với tổng số 536 học viên (416 học viên là người dân tộc thiểu số, 21 người thuộc hộ nghèo; 7 người thuộc hộ cận nghèo). Các nghề đào tạo bao gồm: Dạy nghề nông nghiệp (14 lớp dạy các nghề: Chế biến chè xanh, chè đen; kỹ thuật trồng chè; nuôi và phòng trị bệnh cho gà); Nghề phi nông nghiệp (4 lớp dạy kỹ thuật chế biến món ăn).

Đặc biệt, triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn huyện, Đồng Hỷ đã thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 3 “Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Theo đó, Đồng Hỷ đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 05 lớp nghề với tổng số người được học nghề trình độ sơ cấp là 154 người (100% là người đồng bào dân tộc thiểu số) thuộc các xã Văn Lăng, Tân Long, Nam Hòa, Văn Hán. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: chế biến chè xanh, chè đen; Nuôi và phòng trị bệnh cho gà; Kỹ thuật chế biến món ăn.

nlntv-anh-3-1734597535.jpg
Bế giảng lớp kỹ thuật chế biến chè xanh, chè đen K18

“Nhờ làm tốt công tác khảo sát, nắm bắt đúng nhu cầu thực tế học nghề của người dân, đã giúp công tác đào tạo nghề của Đồng Hỷ phát huy hiệu quả tối đa. Trong đó, đối với nghề nông nghiệp, đa số học viên đã có sẵn đất sản xuất, vật nuôi nên khi học xong, học viên đã áp dụng ngay trên đất và vật nuôi của gia đình, từ đó tạo công ăn việc làm ổn định. Đối với nghề phi nông nghiệp, đã được trung tâm GDNN-GDTX huyện bắt đầu triển khai từ năm 2023, được học viên quan tâm và đón nhận rất tích cực, đem lại hiệu quả kinh tế ngay sau khi học viên hoàn thành đào tạo” – đại diện UBND huyện Đồng Hỷ cho biết.

Theo bà Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Hỷ: Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự tin tưởng ủng hộ của người dân, đã giúp việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhiều lao động nông thôn sau khi tham gia các lớp học nghề đã mạnh dạn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, góp phần nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp (chè, gà…), từng bước giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu cho chính đáng ngay chính mảnh đất quê hương.

Thời gian tới, nhằm làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đồng Hỷ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết của đào tạo nghề. Cùng với đó, liên tục rà soát, xác định nhu cầu học nghề của người lao động; Định hướng và đề nghị lựa chọn danh mục nghề học phù hợp với yêu cầu của thị trường theo từng nhóm đối tượng của địa phương; Tổ chức “Ngày hội việc làm” cấp huyện; Chủ động phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, thị trấn. Lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín về địa phương tư vấn đào tạo nghề, định hướng nghề và tuyển dụng lao động, đặc biệt ưu tiên các đơn vị kết hợp đào tạo nghề với giải quyết việc làm… Từ đó, tạo những điều kiện, cơ hội tốt nhất đến với người lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc tiếp cận thị trường lao động hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng nguồn lao động tại chỗ, thúc đẩy kinh tế - xã hội Đồng Hỷ phát triển năng động, an sinh xã hội ngày thêm củng cố bền
 

Bùi Cường – Đức Long