Cơ hội việc làm mở rộng
Tại Việt Nam, người khuyết tật chiếm hơn 7% dân số, tương đương khoảng 7 triệu người. Mặc dù là lực lượng lao động tiềm năng, nhưng thực tế đáng buồn cho thấy chỉ khoảng 30% người khuyết tật trong độ tuổi lao động có việc làm, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Có rất nhiều nguyên do dẫn đến con số này, từ sự thiếu hụt việc làm cho người khuyết tật, thiếu cơ hội đào tạo nghề cho đến việc thiếu an toàn trong môi trường làm việc. Đối với họ, có việc làm đã là một cơ hội “hiếm có khó tìm”, ấy vậy để bám trụ lấy cơ hội đó lại càng khó hơn.
Trong bối cảnh xu hướng DEI - đa dạng (diversity), bình đẳng (equity) và hòa nhập (inclusion) lên ngôi, ngành F&B cũng không nằm ngoài sự lan toả của xu hướng này. Nhiều doanh nghiệp đã đặt người khuyết tật vào vị trí trung tâm trong chiến lược kinh doanh của mình, không coi họ là đối tượng cần được hỗ trợ mà là nhân tố quan trọng đóng góp giá trị thực sự.
Dự án mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam (Vietnam’s Autism Project - VAPs) là tổ hợp F&B đặc biệt, nơi các bạn nhân viên đều là người tự kỷ. Bạn Hoàng Lâm, nhân viên tại VAPs, chia sẻ: “Mình bị ngại giao tiếp từ bé, nhưng sau khi vào đây thì mình nói nhiều hơn, giao tiếp nhiều hơn… Lần đầu ra ngoài, lần đầu được đi làm, mình cũng có thêm skill (kỹ năng) kiểm kê nữa”.
Với bạn Quang Anh, làm việc tại VAPs khiến bạn tự hào về bản thân hơn: “Trước khi làm việc ở đây, Quang Anh còn nhiều vấn đề, hay mất tập trung, hay gây sự với những người cùng trang lứa. Nhưng mà bây giờ có nhiều cảm xúc vui buồn hơn, không chỉ lừ lừ một chỗ nữa… Có những lúc, sau những công việc áp lực vất vả, Quang Anh vẫn hòa đồng với mọi người, không ai bỏ rơi mình cả, vẫn giúp mình vui vẻ, mềm lòng với cuộc sống hơn”.
Đến quán cà phê Flow-ee, khách hàng sẽ được thưởng thức đồ uống và trải nghiệm giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu với các bạn nhân viên khiếm thính. Bạn Thế Dương, nhân viên pha chế ở Flow-ee, hào hứng chia sẻ: “Tôi thích nhất khi làm việc ở Flow-ee là nhận được sự giúp đỡ của mọi người, cũng như trao đổi thông tin qua trò chuyện và dạy ngôn ngữ ký hiệu cho mọi người”.
Như lời khẳng định mạnh mẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Người tàn nhưng không phế", những người khuyết tật đã và đang chứng minh rằng họ hoàn toàn có thể đóng góp tích cực nếu được trao cơ hội. Tinh thần này không chỉ là nguồn cảm hứng sâu sắc, mà còn là lời nhắc nhở rằng một xã hội công bằng và tiến bộ cần tạo điều kiện để mọi cá nhân, bất kể tình trạng thể chất, đều có cơ hội phát huy tiềm năng và cống hiến cho cộng đồng.
Định hình nhận thức xã hội
Với mô hình kinh doanh hòa nhập, các doanh nghiệp F&B đã mang đến cơ hội cho cộng đồng người khuyết tật, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội và góp phần thúc đẩy các giá trị bình đẳng. Chị Hoàng Thị Thu Thuỷ, đồng sáng lập quán cà phê Flow-ee, cho biết mong muốn của quán là giúp các bạn nhân viên khuyết tật hòa nhập hơn khi tiếp xúc với nhiều khách hàng.
“Việt Nam đã có những chính sách khá cởi mở và tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, nhưng một phần do thông tin chưa được truyền tải mạnh mẽ nên nhiều người vẫn chưa biết đến các mô hình hay doanh nghiệp này. Vì thế, Flow-ee mong muốn góp phần thay đổi nhận thức xã hội và tạo cơ hội để người khuyết tật thể hiện tài năng, hòa nhập vào môi trường làm việc”, chị Thuỷ chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay ngày càng chú trọng đến việc tạo cơ hội nghề nghiệp cho người khuyết tật, và theo chị Thủy, đây là một tín hiệu đáng mừng: “Các mô hình doanh nghiệp hiện nay rất đa dạng, từ những nơi chỉ tuyển dụng người khuyết tật đến những nơi người khuyết tật có thể làm việc trong không gian mở, hòa nhập với cộng đồng. Tôi tin rằng trong tương lai, mô hình kinh doanh hoà nhập sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong ngành F&B”.
Anh Nguyễn Đức Trung, Giám đốc điều hành VAPs, cũng chia sẻ thêm về việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và sứ mệnh xã hội, đặc biệt là việc tạo ra môi trường bình đẳng cho những người khuyết tật, nhất là nhóm người tự kỷ.
“Khi chúng tôi xây dựng mô hình này, yếu tố xã hội được đặt lên hàng đầu. Nếu tôi chỉ đặt mục tiêu kinh doanh cá nhân, tôi sẽ đặt tên công ty là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đức Trung. Nhưng tôi đặt tên là Vietnam’s Autism Project - mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam - để thể hiện tầm nhìn và mong muốn xây dựng một dự án không chỉ giải quyết bài toán kinh tế mà còn đóng góp vào sự hòa nhập của những người tự kỷ trong xã hội”, anh Trung cho biết.
Với anh, VAPs không đơn thuần là một cơ sở đào tạo nghề cho người tự kỷ mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như tâm lý học, giáo dục đặc biệt và kỹ năng sống, giúp họ hòa nhập và tương tác tốt hơn với cộng đồng. Anh mong muốn dự án của mình sẽ trở thành nền tảng, tạo tiền đề cho những thay đổi trong cách nhìn nhận của xã hội đối với người khuyết tật tại Việt Nam.
Những mô hình như Flow-ee hay VAPs đều không chỉ thay đổi cuộc sống của người khuyết tật mà còn tạo ra những "điểm chạm" xã hội, xóa nhòa các định kiến, kỳ thị cố hữu. Thư Huyền, một khách quen của Flow-ee, rất ấn tượng với sự thân thiện và nhiệt tình của các bạn nhân viên ở đây.
“Trong thời gian ở quán, các bạn nhân viên luôn hỏi xem mình có cần giúp đỡ gì không. Quán cũng có bánh kẹo miễn phí để khách có thể nạp thêm năng lượng khi học tập và làm việc. Mình rất thích không khí ở đây và sự chu đáo của các bạn nên chắc chắn mình sẽ dẫn bạn bè đến đây nữa”, bạn Thư Huyền chia sẻ.
Sự ủng hộ từ khách hàng và cộng đồng chính là yếu tố then chốt giúp các mô hình kinh doanh hòa nhập phát triển bền vững, đồng thời tạo động lực để xã hội tiến gần hơn đến sự bình đẳng toàn diện. Đây không chỉ là câu chuyện về việc làm, mà còn là hành trình đấu tranh cho quyền con người, khát vọng vượt qua mọi rào cản để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội tỏa sáng.
Thanh Ngân, Ngọc Trâm