Nới lỏng quy định về độ cao của trường học các cấp

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT, cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3 tầng như hiện nay nhằm giải quyết bài toán quá tải sĩ số, thiếu lớp học.
noi-long-quy-dinh-ve-do-cao-truong-hoc-cac-cap-2-1734661583.jpg
Nới lỏng quy định về độ cao của trường học các cấp. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Cụ thể, Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.

Đáng chú ý, ở thông tư mới, Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về độ cao của trường học các cấp. Cụ thể, ở cấp tiểu học, Bộ quy định: Các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng (thông tư cũ quy định không quá 3 tầng).

Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh quy định về độ cao của các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học từ “cao không quá 4 tầng” lên thành “cao không quá 5 tầng”.

Điểm mới đáng chú ý liên quan đến cơ sở vật chất của trường mầm non là quy định về quy mô. Theo quy định mới, quy mô trường mầm non có tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp (quy định trước đây cho phép tối đa 20 nhóm, lớp).

Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT cũng điều chỉnh quy định về diện tích bình quân cho trẻ em. Theo đó, tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em; đối với đô thị loại III trở lên cho phép bình quân tối thiểu 8m2 cho một trẻ em. 

Trước đó, Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT quy định: Đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 10m2 cho một trẻ em.

Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 31/01/2025.

Hương Trà (TH)