Kiên cố hóa trường, lớp - một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ GD&ĐT

Nằm trong mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, việc kiên cố hóa trường, lớp tại các vùng đặc biệt khó khăn đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương trên cả nước.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí, huy động nguồn lực để tăng cường các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất trường, lớp học.

kien-co-hoa-truong-lop-2-1729742721.jpg
Trường THCS Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) trong diện mạo mới nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Ảnh: Website nhà trường)

Huy động nhân lực, vật lực để hiện thực hóa ước mơ về những ngôi trường mới

Nhìn lại hơn 10 năm về trước, vào năm 2023, điều kiện cơ sở vật chất trường học hết sức khó khăn: Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa rất thấp, đặc biệt là cấp học Mầm non chỉ đạt 47,7% (trong đó, Tây Bắc khoảng 36,5%, Tây Nguyên 35,4%, Bắc Trung Bộ chỉ khoảng 32,8%). Với cấp Tiểu học, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước là 61,6% (thấp nhất là vùng Tây Bắc chỉ khoảng 43%, Đồng bằng sông Cửu Long 48,4%); theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10 năm sau, những con số đó đã có sự cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố là 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%. Cụ thể, cấp học Mầm non có tỷ lệ kiên cố hóa 83,0%; Tiểu học là 83,2%; Trung học cơ sở là 94,9% và Trung học phổ thông là 97,0%.

Đây là kết quả của sự cố gắng, quyết tâm của toàn ngành trong việc huy động nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa, thay đổi diện mạo nhiều ngôi trường. Cụ thể, đó là: Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến 2020 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025...; cùng với đó là các dự án ODA, các chương trình, đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn...

Cùng với Nhà nước, nguồn huy động xã hội hóa cũng đóng vai trò rất lớn trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học. 

Cụ thể, Một số địa phương đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập như: hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non, miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2013 - 2023, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở các địa phương. Trong 10 năm qua, có trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, với khoảng 35.984 phòng học và 1.216 phòng công vụ được đầu tư. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.896,96 tỷ đồng.

Kiên cố hóa trường, lớp tại các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn

kien-co-hoa-truong-lop-1-1729742721.jpg
Tại các tỉnh miền núi, việc kiên cố hoá trường, lớp gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường trong các năm qua đã được chính quyền và ngành giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, trường vẫn còn 4 phòng học tạm, hạn chế về diện tích khiến cho việc dạy và học còn nhiều khó khăn. Mong muốn lớn nhất của nhà trường là nhận được sự đầu tư từ các đơn vị để có nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi hơn, tiến tới thực hiện lộ trình trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2026.

Đó chỉ là một trong số hàng nghìn những ngôi trường còn đang “chơi vơi" trong ước mơ hiện thực hoá kiên cố trường lớp. Nguyên nhân bởi các chương trình, dự án, đề án đầu tư trong thời gian qua mới chỉ hỗ trợ một phần sự thiếu hụt cơ sở vật chất cho các trường thuộc vùng khó khăn, có điều kiện kinh tế kém phát triển. 

Một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm. Phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông mới chỉ có các phòng học thông thường, các công trình thuộc khối phục vụ học tập còn thiếu rất nhiều như: phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa chức năng, hành chính quản trị, sân chơi, bãi tập thể dục thể thao…

Vì vậy, một trong những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong thời gian tới là xây dựng các chiến dịch truyền thông, kêu gọi sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội vào quá trình cải thiện cơ sở vật chất giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh các mô hình hợp tác công tư để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào xây dựng và quản lý trường học. Các tổ chức phi chính phủ, hội nhóm từ thiện… cần được khuyến khích tham gia nhiều hơn vào việc tài trợ và xây dựng cơ sở vật chất giáo dục tại địa phương để cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, 100% phòng học ở cấp mầm non, phổ thông được kiên cố hóa.

Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư vào các khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Các chính sách này cần tập trung vào ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế và hỗ trợ tín dụng để thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương cũng sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập thực tế. Qua đó, giúp tránh tình trạng trường học quá tải hoặc thừa cơ sở ở các khu vực không cần thiết; sắp xếp lại các trường học có quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động thấp ở những khu vực dân cư phân tán; tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực cho giáo dục.

Hương Trà (TH)