Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định về sức mạnh của một đất nước chính là nhân dân, “lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết”, “Nếu có toàn dân đoàn kết, thì kháng chiến nhất định thắng lợi”, và “trong xã hội thành công phải có ba điều kiện là thiên thời, địa lợi, nhân hoà... nhân hòa là tất cả mọi người đều đoàn kết. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”. Trong thời bình, lực lượng chính trị của nhân dân phải là lực lượng chủ yếu. Hơn nữa, trong vận hành nền quốc phòng toàn dân thì vai trò của mỗi người dân càng được khẳng định trực tiếp hơn so với các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước trước đây. Khi chiến tranh xảy ra, thế trận và lực lượng quốc phòng phải được chuyển hóa thành thế trận và lực lượng của chiến tranh nhân dân đánh thắng kẻ thù xâm lược. Để thực hiện điều đó, Đảng ta chủ trương làm cho mọi lúc, mọi nơi, nhân dân phải được chuẩn bị tốt về chính trị tư tưởng, được tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện cách thức hành động nhằm đấu tranh thắng lợi với địch trên các mặt trận chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; lấy phố phường, làng xã, khu vực phòng thủ thành phố, quận, huyện, các cơ quan, xí nghiệp làm cơ sở thực hiện toàn dân đánh giặc; đồng thời có cơ chế phù hợp để phát huy sức mạnh của từng người, từng tổ chức, từng lực lượng tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Tính toàn dân luôn gắn với tính toàn diện trong phương thức vận hành nền quốc phòng của Việt Nam hiện nay. Đó là phương thức khai thác toàn diện tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, khoa học - công nghệ, văn hóa, đối ngoại đến quân sự, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mỗi lĩnh vực của nền quốc phòng toàn dân trở thành các “binh chủng” liên kết chặt chẽ với nhau, hợp thành mặt trận đấu tranh rộng lớn của cả nước. Mỗi “binh chủng” có vị trí khác nhau, có “tầm” và vai trò quyết định khác nhau. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang và đấu tranh quân sự vẫn giữ vai trò nòng cốt trong phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân thời bình cũng như trong phương thức vận hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi chiến tranh xảy ra. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định phải “tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận”.
Phát triển nền quốc phòng toàn dân, toàn diện còn gắn với phương thức vận hành linh hoạt nhằm đấu tranh có hiệu quả cuộc tiến công nhiều mặt của các thế lực thù địch ngay trong thời bình, đồng thời sẵn sàng và linh hoạt chuyển sang tiến hành chiến tranh nhân dân trong thời chiến. Cuộc đấu tranh trong thời bình bao gồm chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống các hành động vũ trang xâm nhập và phá hoại ở các mức độ khác nhau. Nền quốc phòng toàn dân nhằm vào các đối tượng có thể tiến công phá hoại để xây dựng và bố trí các lực lượng phù hợp, đủ khả năng đánh bại hoạt động chống phá của kẻ thù. Do vậy, vấn đề hàng đầu trong vận hành nền quốc phòng là vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống. Còn khi chiến tranh xảy ra, trên cơ sở dự kiến các phương án tiến hành chiến tranh nhân dân, thì phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc một mặt phải phát huy tác dụng cao nhất của tất cả các tiềm lực quốc phòng - quân sự đã được chuẩn bị từ thời bình nhằm giành thắng lợi trên chiến trường, mặt khác vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thời chiến.
Phương thức toàn dân, toàn diện, linh hoạt trong vận hành nền quốc phòng cũng gắn với nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Trong thời bình, cần tiến hành các biện pháp chính trị là chính để đấu tranh có hiệu quả. Song, với các hành động gây rối, bạo loạn, luôn có biện pháp kiên quyết về quân sự, xử lý nhanh gọn, kịp thời. Mọi hành động chần chừ, do dự sẽ tạo điều kiện cho kẻ thù tập hợp lực lượng, móc nối với lực lượng phản động ở ngoài nước, mở rộng các hoạt động chống đối quyết liệt hơn. Khi chiến tranh xảy ra, nguyên lý tiến hành chiến tranh nhân dân là nền tảng để trực tiếp phát triển và hoàn thiện phương thức tác chiến của lực lượng vũ trang nhằm tối ưu hóa sự kết hợp con người và vũ khí, nhất là trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Đồng thời, đó là sự chuẩn bị các phương án phòng thủ dân sự để giảm tổn thất.