Chiến tranh và hòa bình trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (Phần 2)

Lương Đàm
Nhìn xuyên suốt lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể thấy: Dưới ánh sáng cách mạng của thời đại mới, truyền thống yêu nước Việt Nam được phát triển tới đỉnh cao, chuyển hóa hẳn về chất và là động lực quyết định để giải quyết thành công vấn đề chiến tranh và hòa bình, biểu hiện sáng ngời trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược.
13-08-2021cmt8-2-1705328835.jpg
Buổi diễu hành của Thanh niên Tiền phong, lực lượng tham gia Mặt trận Việt Minh và đóng vai trò quan trọng trong việc giành chính quyền tại Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ảnh tư liệu

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước mới gắn liền với chủ nghĩa anh hùng cách mạng sản sinh ra một nhân dân anh hùng, một đất nước anh hùng, và còn sản sinh ra một quân đội anh hùng, một khoa học nghệ thuật quân sự tiên tiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cực kỳ mạnh mẽ trong Cách mạng Tháng Tám cũng như trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại hai tên đế quốc to.

Tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng là sự xuất hiện rất nhiều tấm gương trung liệt xả thân vì nước. Ngay từ lớp chiến sĩ cách mạng tiên phong như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ... trong xà lim của thực dân, đế quốc đã thể hiện phẩm chất kiên cường, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, truyền lại ý chí sắt đá của mình cho các thế hệ tiếp nối.

Tinh thần bất diệt ấy đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh hiện thực của sự nghiệp cách mạng cũng như trong tiến hành chiến tranh cách mạng, với rất nhiều tấm gương anh hùng tiêu biểu cho tinh thần sẵn sàng xả thân vì nước của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân loại tiến bộ đã phải nín thở theo dõi cuộc đọ sức quá chênh lệch giữa một bên là những tên thực dân, đế quốc có thừa bom đạn và vũ khí tối tân, có tiềm lực kinh tế hùng hậu, có quân đội nhà nghề... với một bên là nhân dân Việt Nam mới giành lại được nền độc lập. Song, mưa bom, bão đạn của kẻ thù đã không ngăn nổi bước chân của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ chân đồng vai sắt đi đến tận cùng của ngày chiến thắng.

Không ai yêu hòa bình bằng người Việt Nam, nhưng không thể là nền “hòa bình” trong vòng nô lệ. Vì thế, người Việt Nam quyết chiến và quyết thắng. Không ai có tình cảm sâu nặng như những bà mẹ Việt Nam đã bao đời chịu đớn đau khôn xiết nhưng đã lần lượt tiễn đứa con thứ nhất, thứ hai... cho đến đứa con cuối cùng lên đường đánh giặc. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Mẹ đau thương nhưng dân tộc được giải phóng.

victory-in-battle-of-dien-bien-phu-1705328835.jpg
Bộ đội Việt Nam phất cờ Quyết chiến Quyết thắng trên nóc hầm chỉ huy của Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc, biết bao cuộc chia ly dài đằng đẵng cha - con, vợ - chồng... đủ minh chứng sự hy sinh vô bờ bến của con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Yêu cuộc sống là thuộc tính bản năng của mọi con người. Nhưng với người Việt, sống và chết ra sao cho xứng đáng không chỉ là biểu tượng văn hóa nghệ thuật mà trở thành hiện thực bình thường trong cuộc sống.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, khối đại đoàn kết dân tộc đã hòa vào đại dương của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sự vùng lên của cả dân tộc với ý chí “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành được độc lập, tự do”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã quy tụ nhân dân cả nước vào cuộc trường chinh anh dũng đánh bại bộ máy chiến tranh khổng lồ của thực dân, đế quốc, thu giang sơn về một mối, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam lúc này được khơi dậy cực kỳ mạnh mẽ, được bồi đắp trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành một trong những giá trị tiêu biểu của văn hóa quân sự Việt Nam, là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết Thành công, thành công, đại thành công”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến