Chiến tranh và hòa bình trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (Phần 1)

Lương Đàm
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cách mạng thế giới đang ở thế tiến công trong thời kỳ cao trào với ba dòng thác cách mạng phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.
hanoimoicomvn-uploads-images-tuandiep-2022-07-20-gionevo-20072022hp-1705328312.jpg
Sau Hiệp định Giơnevơ, quân đội Pháp phải lần lượt rút khỏi các địa phương do họ chiếm đóng ở phía Bắc vĩ tuyến 17, hạn đến ngày 19/5/1955 thì phải rút toàn bộ khỏi khu Hải Phòng là khu trú quân tạm thời cuối cùng của họ ở miền Bắc. Trong ảnh: Chiếc tàu Djiring chở quân Pháp rút khỏi bến Sáu Kho (Hải Phòng), ngày 13/5/1955. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, trong phong trào cộng sản, công nhân thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều bất đồng, chia rẽ ngày càng sâu sắc, ảnh hưởng lớn tới cách mạng nước ta. Do vậy, điều cần thiết lúc này là giữ vững đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội, đoàn kết toàn dân vươn lên giành thắng lợi trong cả sản xuất và đấu tranh. Nền tảng chính trị, xã hội vững chắc là ưu thế tuyệt đối của chúng ta. Đảng vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, có đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp là sự bảo đảm vững chắc đưa cách mạng tới thành công, đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi, khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân.

Sự tráo trở của kẻ thù hòng mở rộng chiến tranh ra cả nước buộc nhân dân ta phải bước vào cuộc kháng chiến nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sức mạnh đoàn kết, thống nhất, cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc trở thành ưu thế tuyệt đối của chúng ta trên các lĩnh vực trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các ngành sản xuất được tổ chức theo nhiều quy mô khác nhau nhằm phát huy hết tiềm năng, vừa đáp ứng nhu cầu đời sống, vừa tập trung đáp ứng nhu cầu của chiến trường chiến đấu đánh địch.

Quan hệ quốc tế được mở rộng, thông qua viện trợ, hợp tác quốc tế tăng cường nền tảng vật chất để xây dựng, phát triển các lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh chiến đấu bảo đảm cho sự nghiệp kháng chiến mau đi tới thắng lợi. Sự tàn ác của kẻ địch không những không ngăn chặn được phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân miền Nam ngày càng lên cao, mà còn thổi bùng lên lòng căm hờn và sức mạnh đấu tranh làm cho chúng liên tiếp chuốc lấy những thất bại.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược: từ chiến lược “bình định” dồn dân, lập ấp chiến lược, đến chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “chiến tranh cục bộ”, chiến lược “phi Mỹ hóa chiến tranh” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thắng lợi của đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, thắng lợi của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972... là kết quả hợp quy luật của việc thực hành nhất quán tư tưởng chiến lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra.

2-1705328439.jpg
Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ Đà Nẵng, ngày 19/3/1975. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, “nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai”. Tổng kết chiến tranh, Đảng ta khẳng định: “Đây là một thành công to lớn của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh trong bước kết thúc của nó, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại và cũng là kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh cách mạng”.

Một khía cạnh khác cũng hết sức nổi bật là các động thái hòa bình được ta vận dụng nhuần nhuyễn ngay trong bối cảnh chiến tranh. Đó là tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Đó là kết hợp chặt chẽ giữa mặt trận quân sự với mặt trận chính trị và ngoại giao, gắn chặt giữa “đánh” và “đàm”.

Đế quốc Mỹ theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam dài ngày và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ: qua 5 đời tổng thống, với 5 chiến lược chiến tranh mang ra thử nghiệm, tiêu tốn 676 tỷ đôla chiến phí; huy động gần 55 vạn quân viễn chinh, hơn một triệu quân ngụy Sài Gòn cùng bộ máy chiến tranh thuộc loại hiện đại nhất, song tất cả đều thất bại thảm hại. Kết cục là Mỹ đã phải ngồi vào bàn hội nghị và ký kết Hiệp định Pari, rút quân vô điều kiện khỏi chiến trường miền Nam để người Việt Nam tự quyết định lấy vận mệnh của mình.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến