Chiến tranh và hòa binh giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám thành công

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời đã phải đối mặt ngay với thử thách lớn của vấn đề chiến tranh và hòa bình. Đất nước ta lúc này nằm trong vòng vây hãm của cả giặc ngoài, thù trong, lại cùng lúc phải đối phó với nhiều vấn đề mang tính quốc nạn.
nhan-dan-ta-vui-mung-phan-khoi-sau-cach-mang-thang-8-1705327529.jpg
Cách mạng tháng Tám - biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo sang với lý do tước khí giới quân Nhật, mang theo bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách với âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”, lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ở miền Nam, thực dân Pháp núp sau lưng quân đội Anh với danh nghĩa thay mặt Đồng minh chống phát xít vào giải giáp quân Nhật bại trận để rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Nhà nước dân chủ cộng hòa tiếp thu một nền tài chính kiệt quệ, kinh tế què quặt, nông nghiệp độc canh, năng suất lao động rất thấp.

Hơn nữa, hậu quả của ách “một cổ hai, ba tròng” kéo dài gần trăm năm trước càng làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình đốn. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta tuy tranh thủ được độc lập, nhưng lại hưởng thụ một cái gia tài hầu như đổ nát. Ruộng đất, vì giặc Pháp, Nhật vơ vét hết thóc gạo để gây thành nạn đói, nên bị bỏ hoang rất nhiều. Lại cái nạn lụt gần đây đã ngâm mấy vạn mẫu dưới làn nước đỏ... ngày mùa đã đến, đồng lúa sạch không vì lụt, vì hạn. Giặc đói sắp theo gót giặc Pháp để chôn vùi dân ta... Giặc người, giặc đói đương đày đọa chúng ta”. Tình thế đất nước lúc này tuy đang trong hòa bình, nhưng có thể nói là “nghìn cân treo sợi tóc”.

nhan-dan-gop-gao-chong-giac-doi-1705327592.png
Nhân dân góp gạo chống giặc đói. Ảnh tư liệu

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Sự vận hành nền chính trị và phát triển kinh tế - xã hội thời bình đầy hiệu quả. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, nhân dân ta ra sức khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế để chống giặc đói; mở các lớp bình dân học vụ để chống giặc dốt. Cuộc đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa tư tưởng giữa ta và địch diễn ra vô cùng gay go và phức tạp. Chính quyền cách mạng và nhân dân cả nước đã trực tiếp đương đầu một cách khôn khéo với đủ loại kẻ thù, đế quốc bên ngoài và tay sai bên trong. Cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền vừa giành được trở thành nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa sống còn lúc này của quân và dân cả nước.

lop-binh-dan-hoc-vu-1705327592.png
Lớp Bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Xuất phát từ nhiệm vụ quan trọng đó, cùng với việc củng cố chính quyền, làm tốt các mặt công tác chính trị, kinh tế, văn hóa và tư tưởng, các địa phương đều chú ý xây dựng lực lượng vũ trang đủ sức đập tan mọi mưu mô phá hoại của thù trong, giặc ngoài. Hệ thống công an nhân dân được hình thành, các đội trinh sát trừ gian được tổ chức, đội ngũ tự vệ chiến đấu và quân du kích được củng cố. Công tác trấn áp phản cách mạng được tiến hành kiên quyết, những bộ phận còn lại của chính quyền cũ bị xóa bỏ, các đảng phái phản động bị giải tán. Cùng với việc củng cố và tiếp tục phát huy sức mạnh của chính quyền nhân dân, Mặt trận Việt Minh được mở rộng và phát triển mạnh mẽ.

Để bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, các đội tự vệ chiến đấu nhanh chóng được củng cố, các đơn vị Vệ quốc đoàn - bộ đội chủ lực đầu tiên được thành lập. Toàn bộ hệ thống chính quyền nhân dân ở các địa phương được củng cố và hoàn chỉnh từng bước. Chính nhờ vậy, sau sáu tháng “nằm vạ” tại miền Bắc Việt Nam, quân Tưởng phải về nước mà không thực hiện được âm mưu diệt Đảng ta, phá Mặt trận Việt Minh, lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đặc biệt, việc xử lý mối quan hệ chiến tranh hòa bình trong bối cảnh kề cận với nguy cơ chiến tranh là những giải pháp cực kỳ xuất sắc. Do Đảng ta có sách lược đấu tranh phù hợp và chính sách ngoại giao khôn khéo, biết hòa hoãn, lợi dụng mâu thuẫn làm phân hóa kẻ thù để loại bỏ kẻ thù, nên đã đẩy được 20 vạn quân Tưởng về nước, tạo điều kiện rảnh tay đối phó với quân Pháp xâm lược. Đất nước từng bước thoát khỏi tình thế hiểm nghèo, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào không để xảy ra xung đột, tạo tiền đề thuận lợi nhằm xây dựng, phát triển lực lượng chuẩn bị kháng chiến. 

Vì vậy, trọng tâm lúc này là tích cực chuẩn bị mọi mặt để thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, trong đó chuẩn bị củng cố, phát triển lực lượng vũ trang nhiều thứ quân là một trong những vấn đề then chốt. Tại Hội nghị quân sự toàn quốc, cả nước được chia thành 12 chiến khu nhằm chỉ huy tập trung, thống nhất lực lượng Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ. Quân và dân cả nước tích cực chuẩn bị để đứng lên cầm súng nếu phía Pháp tiếp tục vi phạm những điều cam kết. Riêng về quân sự, việc tổ chức thống nhất các lực lượng vũ trang, tăng cường công tác lãnh đạo chính trị và chỉ đạo đấu tranh, nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, chủ động đối phó với mọi âm mưu mới của địch... được đẩy mạnh.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, bịt hai cửa ngõ giao thông đường biển và đường bộ của ta, Thường vụ Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân cả nước: “Những hành động của Pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ nơi nào và chỗ nào!”. Công tác chuẩn bị chiến đấu càng được xúc tiến khẩn trương, từ xây dựng thế trận, điều chỉnh lực lượng, tăng cường trang bị đến di chuyển cơ sở vật chất ra An toàn khu, gấp rút chuẩn bị sẵn sàng đối phó.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến