Năng lượng tái tạo: Câu chuyện của thế giới và Việt Nam

Vấn đề năng lượng tái tạo được thế giới quan tâm từ những năm 1970 bởi nguồn năng lượng hóa thạch như dầu lửa, than đá ngày càng trở nên khan hiếm
1-1735127873.jpg
Năng lượng tái tạo mang những tác động hay có thể gọi là lợi ích cho môi trường, kinh tế và đời sống. Ảnh: Cấn Dũng

Vai trò của năng lượng tái tạo ngày càng rõ nét

Năng lượng tái tạo được hiểu một cách phổ biến là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn. Năng lượng mặt trời cho phép sử dụng ánh sáng mặt trời để tạo ra năng lượng điện hoặc nhiệt. Với năng lượng gió, sử dụng sức gió để tạo ra năng lượng điện thông qua các tuabin gió; năng lượng thủy điện: sử dụng nước chảy hoặc dòng chảy của dòng sông để tạo ra năng lượng điện.

Với năng lượng sinh học, sử dụng tài nguyên sinh vật như cây cỏ, chất hữu cơ và rác thải để tạo ra năng lượng sinh học; năng lượng địa nhiệt là sử dụng nhiệt độ từ bên trong trái đất để tạo ra năng lượng điện hoặc nhiệt; năng lượng sóng biển và thủy triều: sử dụng sức mạnh của sóng biển và thủy triều để tạo ra năng lượng điện.

Chuyên gia Lê Minh Hương- Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính): “Từ kinh nghiệm của các nước thành công trong phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần ban hành Luật Năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ổn định về cơ sở pháp lý và chính sách phát triển năng lượng tái tạo, chú trọng các chính sách phối hợp bền vững ở cấp quốc gia và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo”.

Xét trên bình diện kinh tế xã hội, năng lượng tái tạo mang những tác động hay có thể gọi là lợi ích cho môi trường, kinh tế và đời sống. Về môi trường, bảo vệ khỏi các nguồn ô nhiễm, chống cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Về kinh tế năng lượng tái tạo giúp bảo đảm an ninh năng lượng, tạo việc làm, nảy sinh một số ngành công nghiệp mới. Về đời sống lợi ích rõ nhất là bảo vệ sức khỏe người dân, tạo cơ hội cho những người dân yếu thế tiếp cận các mô hình năng  lượng hiện đại, tiết kiệm chi phí.

Năng lượng tái tạo mang đến nhiều ưu điểm nổi bật, đặc biệt là trong việc bảo vệ môi trường. So với các nguồn năng lượng hóa thạch, năng lượng tái tạo không gây ra lượng khí thải carbon và các chất ô nhiễm môi trường khác.

Đặc biệt, việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo khác giúp giảm thiểu hiện tượng nóng chảy băng và biến đổi khí hậu. Đồng thời, giúp bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện chất lượng không khí.

Có thể nói các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy điện, năng lượng sinh học và năng lượng địa nhiệt đều là các nguồn vô tận và tái tạo trong tự nhiên. Khả năng tái tạo này bảo đảm chúng có thể được sử dụng một cách liên tục mà không cần lo ngại về việc cạn kiệt tài nguyên.

Lợi thế khi phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo phong phú. Với tổng số giờ nắng cao (lên đến trên 2.500 giờ/năm), tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, Việt Nam rất thuận lợi khi khai thác năng lượng mặt trời. Trong khi đó, ở tiềm năng điện gió, hơn 39% tổng diện tích của nước ta có tốc độ gió trung bình hàng năm ở độ cao 65m lớn hơn 6m/s, tương đương với tổng công suất 512 GW. Điện sinh khối, địa nhiệt cũng là những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác tốt tại Việt Nam.

Tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định việc ưu tiên khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng đối với người sử dụng lao động, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Sử dụng năng lượng tái tạo giúp cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu rủi ro về sức khỏe cho người lao động, từ đó tăng năng suất lao động. Năng lượng tái tạo giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững cho sản xuất.

Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: “Bộ Công Thương cần sớm cho nghiên cứu ban hành cơ chế đột phá về dịch vụ phụ trợ hệ thống điện với các nguồn lưu trữ, linh hoạt để huy động nguồn lực đầu tư các loại hình này, bảo đảm huy động tỷ lệ cao và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn”.

Ngành năng lượng tái tạo tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực sản xuất, lắp đặt, vận hành và bảo trì. Các dự án năng lượng tái tạo thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, cải thiện hình ảnh và uy tín trong mắt khách hàng và đối tác.

Trong vòng 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo đạt khoảng 20%, mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn nước thực hiện đầu tư, kinh doanh. Tính riêng đối với chuyển dịch 2 ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP cả nước lên tới 70 - 80 tỷ USD, tạo ra khoảng 105.000 việc làm trực tiếp.

PV