Những năm gần đây Trung Quốc nổi lên là một nước có mô hình kinh tế chuyển đổi đạt nhiều thành công. Trung Quốc thực hiện quan điểm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực toàn diện, đa tầng, với nhiều trình độ khác nhau phù hợp với sự phát triển của đất nước; trong đó, đặc biệt quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Trung Quốc gọi là nhân tài quốc gia), coi nhân tài là nguồn lực hàng đầu, nhân tài biến đổi thế giới là chiến lược quốc gia; đào tạo, phát triển nhân tài là một cuộc chiến tranh nhân tài để hình thành một cường quốc nhân tài. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quan tâm đến đào tạo nghề nghiệp, khẳng định phát triển đào tạo nghề nghiệp là chiến lược quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực của đất nước, là nội dung ưu tiên trong chiến lược phát triển giáo dục. Vì vậy, khi mới bước vào thời kỳ cải cách mở cửa, tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc còn ở vị trí thứ 19 trên thế giới, đến nay tổng sản phẩm quốc dân của Trung Quốc đã lần lượt vượt qua nhiều quốc gia; năm 2005, vượt qua Anh, Pháp; năm 2007 vượt qua Đức và năm 2010 vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm 2023, nhờ các biện pháp chống Covid-19 đã được dỡ bỏ từ cuối năm 2022 và thực hiện nhiều chính sách ổn định tăng trưởng và nỗ lực đổi mới công nghệ, mà kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,2%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra là 5%. Đặc biệt, một số lĩnh vực mũi nhọn và công nghệ cao như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, phát triển năng lượng tái tạo... của Trung Quốc đạt nhiều thành tựu mới, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, góp phần đưa kinh tế số tăng trưởng vượt bậc và trở thành cường quốc điện toán lớn thứ hai thế giới. Hiện Trung Quốc đã đạt được mục tiêu phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2025, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Góp phần vào thành tựu này của nền kinh tế Trung Quốc không là vai trò đặc biệt quan trọng của Quân đội Trung Quốc tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực số, trong đó có nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Hệ thống nhà trường Quân đội Trung Quốc là nơi các nhân tài quân sự trưởng thành, nhiều người đã chuyển ngành và công tác ở những lĩnh vực quan trọng khác nhau của đất nước. Nhà trường Quân đội Trung Quốc là cơ quan giáo dục chính quy, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng các sĩ quan quân sự, chính trị, hành chính các loại, các cấp. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống nhà trường, quân đội Trung Quốc được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, nhất là đội ngũ cán bộ phục vụ trực tiếp yêu cầu xây dựng nền hành chính của Trung Quốc. “Nhiệm vụ chủ yếu của các nhà trường quân sự là bồi dưỡng, tuyển chọn và đào tạo cho quân đội các sĩ quan, hạ sĩ quan và cán bộ hành chính”. Cán bộ hành chính mà quân đội Trung Quốc tham gia đào tạo, phát triển là đối tượng dân sự với số lượng khá lớn. Ngoài ra, ở các trường, học viện chỉ huy trung - cao cấp, các trường chuyên nghiệp còn tổ chức đào tạo nghiên cứu sinh. Cụ thể: “sẽ chiêu sinh các sĩ quan đương chức, các cán bộ hành chính, các nhân viên ở địa phương trình độ cử nhân hoặc thạc sĩ, chế độ học là 2-3 năm, thực hành huấn luyện bồi dưỡng các nhân tài chuyên môn cao cấp”.
Nhiều trường đại học của Quân đội Trung Quốc có tính lưỡng dụng cao được khai thác, sử dụng hiệu quả trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự như: Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc phòng, Trường Đại học Công trình Vật lý, Trường Đại học Công trình Thông tin, Trường Đại học Công trình Hải quân, Trường Đại học Công trình Không quân. Trong số đó, Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc phòng tuyển sinh các ngành: Động lực học không khí, công trình đo đạc phóng phương tiện bay, công trình không gian, vật lý ứng dụng, kỹ thuật quang - điện tử, điều khiển tự động, công trình điện tử... Nhiều chuyên ngành kỹ thuật, dịch vụ, kinh tế, tài chính trong hệ thống nhà trường Quân đội được khai thác, sử dụng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Điều đó, khẳng định rõ vị thế, uy tín của hệ thống nhà trường Quân đội trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tinh tuý, đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của đất nước.
Quan điểm và phương thức sử dụng Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự của Trung Quốc là tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự ở nhiều trình độ, lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nền hành chính và các quan chức của chính phủ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với sự đa dạng về loại hình, trình độ, lĩnh vực và ngành nghề đào tạo.
Trước sự phát triển nhanh của tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thế giới cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, trước những tác động của xu hướng cách mạng mới trong lĩnh vực quân sự và yêu cầu của nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự cho đất nước, Trung Quốc đã tiến hành quy hoạch lại hệ thống nhà trường Quân đội: “theo hướng bố trí rộng khắp trên các vùng lãnh thổ. Tổ chức hệ thống các trường chân rết ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để đảm bảo cho công tác đào tạo được phủ khắp mọi nơi”. Do đó, hệ thống nhà trường Quân đội đã được phân bố hợp lý trên khắp mọi miền của đất nước; quá trình này làm cho hệ thống nhà trường Quân đội vừa không tập trung ở thành phố với mật độ lớn, vừa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình để tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự ở những nơi mà hệ thống nhà trường dân sự chưa có, hoặc chưa đáp ứng.
Hệ thống nhà trường Quân đội Trung Quốc đã tăng cường giao lưu, hợp tác, liên kết đào tạo với các nước trên thế giới và khu vực. Quân đội Trung Quốc đã tiếp đón nhiều đoàn quân sự của nước ngoài đến tham quan, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm về giáo dục và đào tạo. Tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước cũng như việc tham quan học hỏi kinh nghiệm giáo dục và đào tạo ở nước ngoài; hệ thống nhà trường Quân đội Trung Quốc đã cử nhiều đoàn đi các nước như: Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Thái Lan, Phần Lan... để học hỏi kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa nhà trường Quân đội với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài về những lĩnh vực cụ thể.
Hệ thống nhà trường Quân đội Trung Quốc luôn quan tâm đặc biệt đến nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng “Phấn đấu xây dựng nên một hệ thống dạy và học sắp xếp các chuyên khoa hợp lý, các biện pháp giảng dạy và nội dung tiên tiến, phương pháp dạy và học có khoa học, công tác quản lý dạy và học có hiệu quả cao”.
Tóm lại, nghiên cứu kinh nghiệm Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự một số nước nêu trên là bài học kinh nghiệm quý cho Chính phủ Việt Nam sử dụng Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài vào điều kiện Việt Nam cần phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự và dân sự.