Quan niệm về tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Quân đội (Phần 2 và hết)

Việc sử dụng số học phí được thực hiện theo nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác tài chính, các cơ sở đào tạo trong Quân đội, ngoài đào tạo nhiệm vụ quân sự được phép tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo để thực hiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự (sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề) có thu học phí.
3-1-1733665323.jpg
Học viên quân đội tham gia đào tạo kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ảnh: Internet

Mức thu học phí được thực hiện theo quy định của Nhà nước đối với các trường công lập. Học phí thu được dùng để chi cho các hoạt động: Bảo đảm vật chất cho hoạt động đào tạo; hoạt động chuyên môn phục vụ giảng dạy và học tập; công tác quản lý, chi khen thưởng, phúc lợi và chi hỗ trợ cho các nhiệm vụ khác của cơ sở đào tạo. Như vậy, Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vừa khai thác có hiệu quả năng lực đào tạo, có điều kiện để đầu tư mới cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo, vừa tham gia đào tạo, phát triển số lượng lớn nguồn nhân lực dân sự, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặt khác, các cơ sở đào tạo trong Quân đội sử dụng một phần cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo phục vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự và một phần cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo này được thanh toán khấu hao, bảo dưỡng, mua sắm bổ sung, xây dựng mới bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự và học phí thu của người học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự.

Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được thực hiện theo hình thức đào tạo tập trung. Mục đích Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự và nguồn nhân lực dân sự cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực xã hội cần.

Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các nội dung sau: từ công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan về Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về sử dụng các lực lượng của Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở các nhà trường dân sự, phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện hỗ trợ một phần cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo ở một số nhà trường dân sự... Trong những nội dung đó, nội dung chính là trực tiếp tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gồm giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp nghiệp khác) và giáo dục đại học (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) với những ngành nghề và lĩnh vực xã hội cần như nguồn nhân lực chất lượng cao, y tế, công nghệ thông tin, đào tạo lao động lành nghề, nhất là đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn, quân nhân xuất ngũ và các đối tượng chính sách.

111-1733665324.jpg
Học viện Kỹ thuật quân sự khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Học viện Kỹ thuật quân sự

Các cơ sở đào tạo trong Quân đội cần phải nhận thức đúng nhiệm vụ chính trị trung tâm là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự nhằm đáp ứng trực tiếp yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chỉ là tham gia ở một mức độ nhất định dựa trên cơ sở khả năng, năng lực của chính cơ sở đào tạo. Quá trình tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự phải trực tiếp góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự mà không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự. Bởi vì, nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự chủ yếu do các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; trong đó, quân đội chỉ là lực lượng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực hệ thống nhà trường Quân đội có thế mạnh, phù hợp với điều kiện, khả năng của mình như: Khoa học xã hội và nhân văn; khoa học kỹ thuật; y tế; kinh tế, quản lý và hành chính; dịch vụ; văn hoá nghệ thuật; giao thông vận tải; nông, lâm nghiệp; ngữ văn...

Với năng lực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện có, hệ thống nhà trường Quân đội đáp ứng yêu cầu đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên kỹ thuật quân sự các trình độ; đào tạo trình độ đại học, sau đại học, nhân viên kỹ thuật dân sự. Hệ thống nhà trường Quân đội còn là các cơ sở nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; đào tạo và hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị. Hệ thống nhà trường Quân đội thực hiện đào tạo 81 chuyên ngành nghiên cứu sinh, 45 chuyên ngành cao học, 91 chuyên ngành đại học, cao đẳng, 58 ngành nghề trung cấp chuyên nghiệp. Lượng học viên trung bình 66.275 học viên/năm. Ngoài ra, quân đội còn có các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các Tổng cục, Quân chủng, Binh chủng, Binh đoàn…; trong đó, nhiều chuyên ngành nghề, lĩnh vực có tính lưỡng dụng đã được khai thác, sử dụng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nhiều cơ sở đào tạo trong Quân đội thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học như: Học viện Chính trị, Học viện lục quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y, Học viện Hậu cần, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Khoa học - công nghệ quân sự, Bệnh Viện Y học cổ truyền Quân đội...

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai