Cần cơ chế, chính sách đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực

Việt Nam được đánh giá có nhiều thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với chính trị, kinh tế ổn định và vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, cùng với lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Để tận dụng cơ hội này, việc cần triển khai ngay là tạo cơ chế, chính sách đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn.

Nhân lực hạn chế về số lượng, chất lượng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu với doanh thu đạt hơn 520 tỷ USD năm 2023, dự báo đạt hơn 620 tỷ USD doanh thu năm 2024, 1.000 tỷ USD năm 2030. 

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội cùng các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam đang ngày càng thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã gia nhập thị trường như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT, Công ty TNHH Công nghệ VNTRIP...

nlntv-bandan52034652pm-1714178521.jpg
Học sinh theo học ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Phenikaa được thực hành trong phòng thí nghiệm hiện đại. Ảnh do nhà trường cung cấp

Theo các chuyên gia, bên cạnh những thuận lợi thì ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, đó là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nhận định, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cũng thừa nhận, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn đang rất thiếu bởi do cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực trong ngành này chưa có sự rõ ràng. Các doanh nghiệp như Viettel hoặc các trường đại học đã bắt đầu có những kế hoạch để thay đổi tình hình. Nhưng sự kết nối để tạo nên hệ sinh thái là chưa đầy đủ. Hệ sinh thái đó phải bắt đầu từ cơ quan quản lý nhà nước, tiếp theo là các viện nghiên cứu, các trường đại học, rồi đến khối doanh nghiệp, cuối cùng là từ các nhà khoa học và người dân.

Ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn, Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel hiện có khoảng 50 kỹ sư vi mạch chất lượng cao. "Để có số lượng kỹ sư chất lượng cao này, chúng tôi phải trải qua nhiều năm tuyển dụng. Nhưng nhìn chung tuyển dụng là tương đối khó. Trong 10 hồ sơ thì chúng tôi chỉ tuyển được 1. Nguyên nhân là vì đặc thù trong lĩnh vực này yêu cầu rất cao, phải làm tất cả công đoạn từ thiết kế, sản xuất ra chip rồi thử nghiệm để đưa sản phẩm ra sử dụng trong thực tiễn", ông Hoàng giải thích.

Theo ông Hoàng, với tham vọng đạt được vị trí tốp 20 công ty thiết kế chip hàng đầu châu Á vào năm 2035, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực hơn 500 kỹ sư vào năm 2030, hơn 1.000 kỹ sư vào năm 2035. Trong đó có hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Đây là thách thức không hề nhỏ đối với Viettel nói riêng và các tập đoàn công nghệ làm trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam nói chung.

Cần cơ chế, chính sách đột phá

Về định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Việt Nam, ông Nguyễn Cương Hoàng đề xuất, Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách đột phá cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà trường trong hoạt động đào tạo. Xem xét cho phép doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, tạo nguồn, công nhận các chứng chỉ nghề do doanh nghiệp cung cấp, học kỳ trong doanh nghiệp... Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện cơ chế hợp tác một cách thực chất giữa doanh nghiệp-viện nghiên cứu-trường đại học; chính sách ưu đãi về thuế, các cơ chế về hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng những cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo...

"Viettel mong muốn các cơ chế đó cần được sớm cụ thể hóa trong hệ thống văn bản pháp luật để đưa vào thực thi trong giai đoạn 2024-2026. Đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân tạo đột phá để thu hút nhân tài và các chuyên gia nước ngoài về làm việc", ông Hoàng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, liên quan tới đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn, Bộ Khoa học và Công nghệ không được phép cấp kinh phí đào tạo, đơn cử như việc cấp học bổng cũng không được. Nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất có thể hỗ trợ thông qua những đề tài nghiên cứu. Bộ sẽ định hướng đề tài quốc gia, đề tài cấp bộ về vi mạch bán dẫn. Đây là một hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho các thạc sĩ, nghiên cứu sinh có được sự hỗ trợ về nghiên cứu, tham gia vào nghiên cứu.

Hướng tháo gỡ khác nhằm góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao là bảo đảm kinh phí cho cán bộ học tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) hiện có chính sách ưu tiên cử cán bộ trẻ nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn học tập ở nước ngoài.

Tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, nhân lực là một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Thủ tướng cho rằng, trên nền tảng phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin đã có, Việt Nam có thể dịch chuyển chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, điện tử sang lĩnh vực bán dẫn. Cùng với đó hình thành thêm một số khoa tại các cơ sở đào tạo, một số phòng tại các đơn vị nghiên cứu; mở chiến dịch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, điều chỉnh phù hợp để đạt mục tiêu đề ra nhưng không xáo trộn quá nhiều.

Thủ tướng cũng đề nghị thời gian tới cần hoàn thiện thể chế đào tạo nhân lực bán dẫn cùng với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù. Tập trung đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn với các cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất. Đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp và huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.