Quan niệm về tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Quân đội (Phần 1)

Với mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI xác định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
dsc-6897148110308am-1733665052.jpg
Giờ học của học viên Học viện Biên phòng. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là một trong những quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quán triệt quan điểm này, quân đội đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên, quân đội chỉ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở những lĩnh vực mà quân đội có điều kiện, khả năng thực hiện. Trong phạm vi cuốn sách, chúng tôi tập trung giải quyết ở hai cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân là: giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp nghiệp khác); giáo dục đại học (đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ).

Các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được thực hiện theo đúng quy định của các bộ, ngành chức năng, đúng pháp luật và chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội bao gồm cả số lượng, chất lượng và cơ cấu đào tạo. Từ những ngành nghề thuộc tiềm năng, thế mạnh của mình, tức là cái cơ sở đào tạo đang có, các cơ sở đào tạo trong Quân đội đã chủ động, tích cực chuyển sang đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội, tức là cái xã hội cần, nên bước đầu đã đáp ứng được một phần sự thiếu hụt về nguồn nhân lực ở những lĩnh vực, ngành nghề này. Do đó, hiệu quả của hoạt động tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Quân đội được nâng cao. Biểu hiện cụ thể như sau: Cơ sở đào tạo đã đào tạo được đúng, trúng và phù hợp với sự vận động, phát triển của đất nước; các tổ chức kinh tế - xã hội đã có được nguồn nhân lực phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này phát triển có hiệu quả; người lao động được đào tạo theo nhu cầu của xã hội, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo tăng cao; từng bước khắc phục được sự lãng phí do đào tạo không đúng ngành nghề và giảm chi phí đào tạo lại do phải chuyển đổi ngành nghề.

Từ sự phân tích trên, chúng tôi quan niệm: Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là quá trình sử dụng một phần năng lực đào tạo hiện có của Quân đội để đào tạo, phát triển một bộ phận nguồn nhân lực mà nền kinh tế đang đòi hỏi đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

hocvien-1663303167310906113589-0-0-410-656-crop-16633031738501536376571-1733665182.jpg
Hoạt động đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo quân đội góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Ảnh: Tạp chí Quản lý Nhà nước

Chủ thể tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là các cơ sở đào tạo trong Quân đội được Chính phủ, các bộ có thẩm quyền giao nhiệm vụ, chỉ tiêu đào tạo dân sự. Các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo đúng quy định của Nhà nước như quy định về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, về năng lực tổ chức hoạt động đào tạo, về nội dung, chương trình đào tạo, về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo.

Đối tượng đào tạo dân sự trong các cơ sở đào tạo trong Quân đội là thanh niên, học sinh, cán bộ và các đối tượng khác không phải là quân nhân tại ngũ và công nhân, viên chức quốc phòng, đạt đủ các điều kiện quy định, trúng tuyển qua các kỳ thi tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được các cơ sở đào tạo trong Quân đội đào tạo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về hoạt động tài chính: Nguồn kinh phí đào tạo dân sự ở các cơ sở đào tạo trong Quân đội được huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp theo chỉ tiêu kế hoạch đào tạo; ngân sách huy động từ các tổ chức kinh tế - xã hội; các khoản thu học phí, lệ phí của người học theo quy định. Tổ chức thu, mức thu, quản lý, sử dụng học phí và các khoản lệ phí do cơ sở đào tạo trong Quân đội quy định căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác tài chính.

Đại tá, PGS.TS. Trần Đăng Bộ - Thượng tá, TS. Hoàng Văn Phai