Đối với Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng non trẻ, một trong những nhiệm vụ đó là phải diệt giặc dốt. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, phong trào học tập, xoá nạn mù chữ, những lớp bình dân học vụ ra đời với sự vào cuộc của tất cả các lực lượng, trong đó có Quân đội đã nâng cao tỷ lệ biết chữ của người Việt Nam. Tổng kết một năm, từ ngày 8/9/1945 đến ngày 8/9/1946 đã có 2,5 triệu người biết chữ, tuy chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng con số ấy thực sự là một kỳ tích trong hoàn cảnh năm đầu tiên của đất nước mới độc lập đang đứng trước những thử thách đầy cam go. Những năm tiếp theo, đất nước trong tình trạng chiến tranh nhưng nền giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển, các lớp học ngắn hạn, đào tạo nghề nghiệp, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các trình độ tương ứng phục vụ sự nghiệp cách mạng cũng được tổ chức, bước đầu đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế.
Sau khi kết thúc thời kỳ khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa các quan hệ sản xuất (1955-1960), Đại hội III của Đảng (tháng 9/1960) xác định: “Muốn cải biến tình trạng nông nghiệp lạc hậu hiện nay của Việt Nam, đưa Việt Nam từ chế độ sản xuất nhỏ là chủ yếu lên chế độ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở Việt Nam”. Đến đây, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo có sự phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá. Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và tại Hội nghị Trung ương 7 khoá VII (tháng 8/1994), Đảng ta chỉ rõ nội hàm khái niệm công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặt ra yêu cầu bức thiết về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nguồn nhân lực là một bộ phận quan trọng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế quốc dân. Lao động có kỹ thuật cao là chủ thể trong phát triển, ứng dụng, triển khai, áp dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh... Khoa học - công nghệ luôn giữ vị trí trung tâm của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Kinh nghiệm của các nước châu Á - Thái Bình Dương cho thấy chuyển giao công nghệ đem lại thành công khi năng lực nội sinh về công nghệ của đất nước phải đủ tầm để lựa chọn, tiếp nhận, ứng dụng, thích nghi và phát triển với công nghệ đó.
Ngày nay, những công nghệ hiện đại có hàm lượng trí tuệ, chất xám rất cao đang trở thành xu thế phổ biến. Do đó, muốn thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải phát triển mạnh giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn lực con người, nguồn nhân lực, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực không những đáp ứng đòi hỏi mới về phát triển khoa học - công nghệ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà còn đáp ứng yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lao động xã hội. Một trong những nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm, tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ tăng. Sự chuyển đổi này dẫn theo cấu trúc của lực lượng lao động trong xã hội chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi lực lượng lao động Việt Nam phải không ngừng nâng cao về chất lượng để tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất và đời sống. Đồng thời, việc tăng cường đầu tư, sử dụng máy móc, công nghệ cao sẽ làm thay đổi cơ cấu lao động; lao động nông nghiệp không ngừng giảm, lao động công nghiệp và dịch vụ tăng, một bộ phận lao động nông thôn sẽ tham gia vào quá trình đô thị hoá. Sự thay đổi này là một quá trình mang tính quy luật.
Phân công lại lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, con người giữ vai trò quyết định. Vì vậy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là cơ sở, là điều kiện quan trọng để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá là số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực thực tế đang đặt ra, tức là nguồn nhân lực mà công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện đang cần như nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động lành nghề làm việc trong các ngành về khoa học - công nghệ cao, y tế, nông - lâm - thuỷ sản. Để đáp ứng nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, Đảng và Nhà nước đã huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và cơ cấu hợp lý thông qua hệ thống cơ chế, chính sách, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách về kinh tế, nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ các lực lượng, các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, trong đó tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 (Quyết định số 579/2011/QĐ-TTg, ngày 19/4/2011) là định hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với sự phát triển của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở Chiến lược này, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trong đó có Bộ Quốc phòng, đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như: Xác định chỉ tiêu đào tạo, ngành nghề, lĩnh vực, trình độ đào tạo, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước cũng như của các ngành, lĩnh vực... để giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đào tạo sát thực tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Như vậy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế quốc dân và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước có mối quan hệ chặt chẽ, tác động hỗ trợ, bổ sung cho nhau; trong đó, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế quốc dân là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài gắn liền với sự tồn tại và phát triển của quốc gia, ở các thời kỳ khác nhau, còn đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chỉ diễn ra trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt gắn với thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ những điều kiện kinh tế - xã hội trong nước, từ thực trạng nền giáo dục cũng như thực trạng nguồn nhân lực và yêu cầu cao về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đặt ra những thách thức mới, những mâu thuẫn mới đòi hỏi phải giải quyết sớm và đồng bộ nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học - công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.