Tiếp cận lý luận về chiến tranh và hòa bình (Phần 1)

Lương Đàm
Vấn đề chiến tranh và hòa bình là vấn đề có phạm vi cực kỳ rộng lớn, xét theo cả khía cạnh khoa học và khía cạnh chính trị - xã hội của nó, do vậy đã được quan tâm nghiên cứu qua mọi thời đại, từ nhiều góc độ, nhiều loại chủ thể nghiên cứu.
tranh-minh-hoa-1697122674.jpg
C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Ảnh: Tư liệu

Từ những nhận thức sơ khởi về chiến tranh, về hòa bình thời cổ đại đến lập luận của Ph.Claudơvít về “chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang”, nhất là sự phát triển mang tính nhảy vọt của lý luận kinh điển mácxít về bản chất chính trị của chiến tranh là những bước tiến lớn. Tuy nhiên, đến nay, lý luận về chiến tranh và hòa bình vẫn phát triển hết sức phức tạp, đa chiều, còn có những khoảng trống luận lý cần được bổ khuyết cũng như phải phát triển mới để đáp ứng nhu cầu giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Có thể thấy, với lập luận của các nhà kinh điển về chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang thì bản chất chiến tranh không còn nằm sâu trong vỏ bọc thần bí mà bộc lộ rõ sự xung đột xã hội về phương diện chính trị - giai cấp. Song vấn đề đặt ra là bản chất của hòa bình có phải là sự kế tục của chính trị không; trong trạng thái nào thì các chủ thể chính trị buộc phải lựa chọn sự kế tục chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang thay vì bằng con đường hòa bình; còn với bối cảnh chính trị nào thì nguy cơ chiến tranh mới có thể và cần thiết phải được giải tỏa; thậm chí có những trạng thái mà việc lựa chọn kế tục chính trị bằng hòa bình ẩn chứa nhiều hiểm họa hơn lựa chọn kế tục chính trị bằng chiến tranh... Sự ràng buộc, chế ước, quy định, tương tác qua lại lẫn nhau, cũng như sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chính trị với chiến tranh và hòa bình là một trong những điểm cốt lõi về lý luận.

Tuy nhiên, còn có rất nhiều khía cạnh chưa tường minh và đặc biệt trở nên nhạy cảm khi đứng trước thực tiễn đang có bước chuyển hóa hay ít nhất có khả năng chuyển hóa từ hòa bình sang chiến tranh hoặc ngược lại. Giá trị và sức sống của nền hòa bình được kiểm chứng rõ ràng nhất khi buộc phải soi rọi qua chiến tranh; và chiến tranh cũng luôn phá vỡ những định kiến, sự trì trệ chính trị mà trong bối cảnh hòa bình các chủ thể không vượt qua nổi. Việc kiếm tìm các chiến lược chính trị trong thực tiễn lịch sử, dù thời chiến hay thời bình, cũng luôn gắn chặt với giải quyết quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình, chứ không chỉ là giải quyết từng trạng thái.

Đứng trước nguy cơ chiến tranh hoặc khi chuẩn bị kết thúc chiến tranh, chỉ những chủ thế chính trị được trang bị kỹ về lý luận mới tìm ra cách thức ứng xử phù hợp. Song các phương diện ấy chưa được thanh toán một cách cơ bản về lý luận. Việc lý giải các vấn đề về chiến tranh và hòa bình, sự cổ súy cho chiến tranh hay cho hòa bình, nguyên tắc xử trí trước mỗi tình huống… tùy thuộc vào thiên kiến chính trị - giai cấp của những lực lượng xã hội giữ địa vị thống trị và có lợi ích gắn liền với chiến tranh hay với hòa bình, đồng thời là biểu hiện tập trung lập trường nhân văn của con người đối với đời sống hiện thực thông qua khát vọng hòa bình.

rian-archive-44732-soviet-soldiers-attack-house-1-1430956373-1697122904.jpg
Những hình ảnh về cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ảnh: Tư liệu

Sự xung đột lợi ích chính trị, và đằng sau đó là lợi ích kinh tế, chính là mâu thuẫn tập trung nhất có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh. Song chiến tranh xảy ra hay không lại tùy thuộc vào thái độ và cách thức xử thế của các lực lượng xã hội đang lãnh đạo đất nước. Các giải pháp hòa bình cũng không phải nhất thiết được chấp nhận bằng mọi giá. Nếu không đi sâu nghiên cứu cơ bản, hệ thống về cơ chế nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình thì khó tránh khỏi chủ quan, phiến diện.

Mối quan hệ giữa chính trị với chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay có những nét rất mới cần được luận giải. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm cho việc theo đuổi mục tiêu chính trị của các nhà lãnh đạo không chỉ thuần túy bó hẹp ở phạm vi quốc gia, dân tộc mà phải tính đến bức tranh toàn cảnh. Theo đó, sự lựa chọn bằng chiến tranh hay hòa bình đều đụng chạm tới tất cả các quốc gia, dân tộc, lực lượng chính trị xã hội trên thế giới. Hơn nữa, do sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ hiện đại, trong thế giới đương đại đang xuất hiện nhiều kiểu và loại hình chiến tranh mới, với nguyên nhân, nguyên cớ ngày càng phức tạp. Về vấn đề hòa bình, quan hệ hòa bình và thể hiện chiến tranh, đặc biệt dần sự chuyển hóa chiến tranh - hòa bình mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ môi trường hòa bình, bảo vệ đất nước và chế độ chính trị.

Ở nước ngoài đã có nhiều công trình nghiên cứu lý luận cơ bản về chiến tranh và về hòa bình, trong đó cũng đã có những công trình thông qua khảo sát các cuộc chiến tranh cụ thể để bàn về sự tiếp tục chính trị của chiến tranh. Một số tác giả đưa ra những cách nhìn về kinh tế, chính trị, xã hội... như là nhân tố của chiến tranh hoặc hòa bình. Vấn đề chiến tranh và hòa bình trong thế giới đương đại được quan tâm nghiên cứu thông qua khảo lược sự nhận thức, giải quyết của các nước về chiến tranh và hòa bình hiện nay. Mối quan hệ của chiến tranh, hòa bình và các vấn đề an ninh phi truyền thống đang trở thành vấn đề nổi cộm.

Ở Việt Nam, những vấn đề lý luận trực tiếp bàn về chiến tranh và hòa bình gắn với vấn đề xây dựng nền quốc phòng được đề cập chưa nhiều, song cũng có những cách tiếp cận mới mẻ, nhất là vấn đề chiến tranh và hòa bình qua các cuộc chiến tranh công nghệ cao gần đây. Đã có những công trình tổng kết lịch sử quân sự, lịch sử chiến tranh giải phóng, bảo vệ đất nước và những công trình bàn trực tiếp về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại hiện nay. Đặc biệt, những vấn đề mang tính dự báo về chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, về quan hệ giữa hòa bình và chống “diễn biến hòa bình”... được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu.

maxresdefault-1697123048.jpg
Bộ đội Việt Nam trong trận chiến cuối cùng trước ngày giải phóng. Ảnh: Tự liệu

Tuy nhiên, trong thế giới đương đại, nhất là từ khi Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các trường phái nghiên cứu chính thống về chiến tranh và hòa bình theo quan điểm lý luận mácxít thưa dần. Ở nước ta cũng có nhiều biến thái về nhận thức của thế hệ trẻ và thậm chí cả trong giới nghiên cứu lý luận đối với vấn đề chiến tranh, hòa bình, bảo vệ Tổ quốc... Tệ hại hơn, đó là sự xuất hiện nhiều lý thuyết phản động, xuyên tạc lịch sử, đòi xem xét lại các cuộc chiến tranh cách mạng với góc nhìn cực đoan phi chính trị, phi giai cấp, phi tính đảng; hoặc cổ súy cho xu hướng nhân danh chống các lực lượng phản tiến bộ để hô hào chiến tranh... Hơn bất cứ lúc nào, cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận về nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình đang trở nên rất nóng bỏng và là một trong những nội dung quan trọng hiện nay.

Từ tất cả các bình diện trên cho thấy, cần có sự khái quát sâu những khía cạnh lý luận của vấn đề chiến tranh và hòa bình, dự báo xu thế phát triển mới mang dấu ấn thời đại. Chỉ khi dựa chắc trên nền tảng lý luận - phương pháp luận khoa học thì mới có thể kế thừa kinh nghiệm giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trong lịch sử, cả kinh nghiệm dân tộc và kinh nghiệm quốc tế, để đúc rút nên giá trị hiện thực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến