Bản chất của thời kỳ đầu chiến tranh (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Đối với Việt Nam, do vị thế địa - chiến lược đặc biệt mà từ xa xưa trong lịch sử đến ngày nay đã phải thường xuyên đối phó với những kẻ thù xâm lược mạnh. Để tiến hành chiến tranh chống xâm lược trong điều kiện ấy, không có phương cách nào ưu việt hơn là dựa hẳn vào dân, tìm sức mạnh từ dân và huy động chiến tranh toàn dân giải phóng và bảo vệ đất nước.
ribbet-collage-1696347627.jpg
Một số hình ảnh về chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Internet.

Ngay từ ngày đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh, trước kẻ địch mạnh, người Việt luôn tìm ra cách thức kháng chiến phù hợp. Thậm chí, có những thời điểm ban đầu tạm mất kinh đô, thủ đô, song cuộc kháng chiến với ý chí chiến đấu vì độc lập, hòa bình mãnh liệt của dân tộc vẫn bền bỉ cho đến thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu chiến tranh, người Việt cũng vẫn thực hiện cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh toàn diện. Bất người dân nào cũng có thể là một người lính. Địch có thể tiến quân như chẻ tre lúc đầu, song mỗi bước đi của chúng là một bước cảm nhận được vực thẳm thất trận.

Đặc biệt, đến thời đại mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc kháng chiến chống xâm lược đã viết tiếp vào lịch sử oai hùng của dân tộc những chiến công mới chói lọi. Đó không chỉ là những cái mới của thể chế chính trị ưu việt hợp lòng dân, của chủ nghĩa yêu nước mới gắn với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”..., mà còn là sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói riêng, nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh nói chung, trong đó có cách thức ứng xử phù hợp đối với thời kỳ đầu chiến tranh.

Tiến công hoặc phòng thủ, chiến tranh giải phóng hoặc chiến tranh giữ nước, quả đấm thép của binh đoàn chủ lực hoặc nổi dậy đồng loạt của nhân dân, cách đánh chính quy hoặc cách đánh du kích.. tất cả các động thái ấy đều được xử lý nhuần nhuyễn trong thời kỳ đầu chiến tranh, khiến cho ta càng đánh càng mạnh, địch càng dấn càng suy.

Từ lý luận và thực tiễn của thời kỳ đầu chiến tranh, trong nước và trên thế giới, trong lịch sử và thời hiện đại, đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm giữ nước quý báu. Thế giới đương đại là một thế giới toàn cầu hóa với quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Hòa bình là xu thế chủ đạo. Chiến tranh thế giới ít có khả năng xảy ra. Song các cuộc xung đột, đấu tranh vũ trang, thậm chí chiến tranh trong phạm vi một vài quốc gia, dân tộc vẫn có thể xuất hiện nơi này, nơi khác. Chính vì vậy, lo giữ nước từ khi nước chưa nguy luôn là bài học để đời đối với dân tộc Việt Nam.

Để đủ thế mạnh duy trì nền hòa bình, tạo môi trường thuận lợi phát triển đất nước, đồng thời sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống chiến lược phức tạp, kể cả chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao nếu xảy ra, vấn đề có ý nghĩa quan trọng trực tiếp là xây dựng nền quốc phòng đủ mạnh. Đó là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, vừa vững chắc, có chiều sâu, vừa linh hoạt, năng động, sẵn sàng chuyển hóa thành sức mạnh giữ nước hiện thực khi chiến tranh xảy ra.

Đặc biệt, sự đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ đầu chiến tranh gắn với những đặc điểm mới của thế giới đương đại phải được thể hiện đậm nét trong xây dựng tất cả các thành tố cơ bản của nền quốc phòng toàn dân hiện nay; tập trung hàng đầu là các vấn đề: xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn diện và vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng có trọng điểm và chiều sâu; xây dựng lực lượng quốc phòng rộng khắp với lực lượng vũ trang tinh, gọn mạnh làm nòng cốt; xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng sẵn sàng chuyển hóa thành phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; chuẩn bị tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh chủ động, cụ thể.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến