Phương pháp phòng thủ biên giới cho các lực lượng vũ trang (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Trong giai đoạn địch tiến hành đưa cụm lực lượng Thế đội I chiến lược vào tiến công trên bộ, lực lượng chủ yếu của địch bao gồm cả lực lượng tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, cùng với lực lượng phía trước nhanh chóng phát triển tiến công, thọc sâu, vu hồi bằng các cụm cơ giới, kết hợp với đổ bộ đường không chiến dịch, chiến lược đánh chiếm các khu vực phòng thủ chủ yếu của các quân khu, từng hướng chiến lược và khu vực phòng thủ chiến lược trọng yếu của đất nước.
untitled-217-1696346589.jpg
Chiến sĩ sử dụng tiểu liên AK tiêu diệt địch trên tuyến mép nước. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Về thủ đoạn của địch, lực lượng chia cắt chiến lược sẽ bất ngờ đổ bộ đường biển, kết hợp với tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, thọc sâu, vu hồi, nhanh chóng đánh chiếm địa bàn có giá trị và thực hiện chia cắt chiến dịch, chiến lược. Lực lượng đổ bộ đường không chiến lược, chiến dịch có thể đổ bộ vào gần khu vực phòng thủ chiến lược chủ yếu, mục tiêu quan trọng trên các hướng, đánh thẳng vào mục tiêu chiến lược trọng yếu, cùng với lực lượng tiến công trên bộ đánh chiếm khu vực phòng thủ chủ yếu, mục tiêu phòng thủ then chốt,... Địch còn sử dụng lực lượng đặc nhiệm bất ngờ tiến công đánh vào các cơ quan đầu não, sở chỉ huy cấp chiến lược, các trận địa hỏa lực, trung tâm chính trị, kinh tế lớn,... phối hợp với đòn tiến công trên bộ, tiến công từ hướng biển và đổ bộ đường không đánh chiếm khu vực phòng thủ chiến lược trọng yếu.

Các cụm lực lượng chiến lược phía sau tiếp tục cơ động, triển khai trên các hướng chiến lược, có thể đưa một bộ phận của cụm lực lượng chiến lược phía sau vào phối hợp với cụm lực lượng chiến lược phía trước phát triển tiến công đánh chiếm khu vực phòng thủ chiến lược trọng yếu,... Chiến dịch tiến công đường không của địch sẽ được tổ chức nhằm chi viện cho các cụm lực lượng tiến công đánh chiếm các khu vực phòng thủ chủ yếu của ta, tập trung cho đòn tiến công vào khu vực phòng thủ chiến lược trọng yếu.

Lực lượng hải quân tiếp tục phong tỏa các cảng biển, cửa sông, sử dụng cao độ hỏa lực chi viện cho các hướng tiến công trên bộ, vận chuyển trang thiết bị quân sự, hậu cần - kỹ thuật bảo đảm cho lực lượng tiến công từ hướng biển,... Lực lượng phản động nội địa kết hợp với lực lượng vũ trang gây bạo loạn ở một số khu vực phối hợp với đòn tiến công vào khu vực phòng thủ chủ yếu. Địch còn tiến hành các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, đưa lực lượng phản động lưu vong cùng với lực lượng phản động nội địa dựng chính quyền phản động....

Về phía ta, các quân khu kiên quyết giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu và mục tiêu phòng thủ then chốt, sử dụng chủ lực quân khu kết hợp với chủ lực cơ động của Bộ tiến hành các chiến dịch, trận đánh tiêu diệt bộ phận địch, giữ vững, khôi phục những khu vực phòng thủ chủ yếu bị địch đánh chiếm,... Lực lượng chủ lực cơ động cùng với lực lượng tại chỗ kiên quyết bao vây, tiến công tiêu diệt bộ phận quan trọng địch đổ bộ đường không, ngăn chặn, đánh bại tiến công, không cho địch tiến công vào mục tiêu chiến lược trọng yếu.

untitled-212-1696346445.jpg
Đại liên thực hành đánh địch đổ bộ đường biển. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Các lực lượng không quân, pháo binh tên lửa, phòng không,... được sử dụng để chi viện cho chủ lực cơ động và lực lượng tại chỗ đánh địch đổ bộ đường không, giữ vững mục tiêu chiến lược trọng yếu của ta. Trên hướng ven biển, các lực lượng dựa vào thế trận phòng thủ kiên quyết ngăn chặn địch tiến công, giữ vững mục tiêu trọng yếu, đồng thời thực hiện đòn phản công, tiến công ở các quy mô, tiêu diệt địch đổ bộ, vu hồi, tiến công đường bộ, không cho địch thực hiện chia cắt chiến dịch, chiến lược,...

Cần sử dụng hỏa lực kết hợp với lực lượng ở những khu vực địch tiến công vượt qua, ngăn chặn các cụm lực lượng chiến lược phía sau của địch cơ động, triển khai lực lượng trên hướng biển. Một số đơn vị luồn sâu vào các khu vực bị địch tạm chiếm, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, phát động chiến tranh nhân dân ở vùng sau lưng địch. Lực lượng đặc công, pháo binh,... tiến hành các đòn đánh hiểm vào các sở chỉ huy, căn cứ hỏa lực và lực lượng địch ở phía sau, nhằm chi viện cho các lực lượng giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu...

Cùng với hoạt động tác chiến, ở các địa phương cần tiếp tục tiến hành các hoạt động đấu tranh chính trị, ngoại giao,... làm thất bại thủ đoạn chiến tranh tâm lý của địch, giữ vững tinh thần quyết tâm chiến đấu của quân và dân cả nước.

Về kết thúc tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh: tác chiến phòng thủ chiến lược có thể diễn ra bằng một số giai đoạn gắn với đặc điểm đối tượng, tình hình lực lượng, thế trận, phương thức tác chiến và đấu tranh của ta. Do vậy, kết thúc tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là một nội dung quan trọng của nghệ thuật quân sự. Kết thúc đúng thời cơ sẽ giúp ta giành và phát huy được thế chủ động trong chuẩn bị và thực hành tác chiến cho các giai đoạn tiếp theo, tạo ra thế, lực, thời cơ cục diện chiến lược có lợi.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến