Về điều chỉnh quyết tâm, hạ quyết tâm tác chiến: Trên cơ sở quyết tâm tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh đã được chuẩn bị, khi địch chuẩn bị phát động chiến tranh hoặc khi phát hiện triệu chứng địch tiến công hỏa lực, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, đưa quân vượt biên giới trên bộ..., cơ quan chỉ đạo chiến lược cần đưa ra nhận định, đánh giá, kết luận chính xác về tình hình địch và những vấn đề có liên quan mới nhất, kịp thời điều chỉnh quyết tâm cho phù hợp, làm căn cứ để triển khai các bước chuẩn bị tiếp theo.
Nội dung điều chỉnh quyết tâm gồm: điều chỉnh ý định tác chiến; điều chỉnh nhiệm vụ của các lực lượng; điều chỉnh những biện pháp chính về hiệp đồng, bảo đảm; điều chỉnh tổ chức chỉ huy; điều chỉnh những mốc thời gian chính. Trong điều chỉnh quyết tâm, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp công tác để có quyết tâm tác chiến sát đúng, bảo đảm chủ động đánh địch tiến công, không để bị bất ngờ, dành thời gian cho các hướng, các lực lượng cấp dưới chuẩn bị.
Sau khi hạ quyết tâm, cần nhanh chóng nghiên cứu bổ sung công tác chuẩn bị chiến trường; báo cáo quyết tâm với Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy Quân sự Trung ương; tiếp đó nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh quyết tâm theo sự chỉ đạo của trên; phổ biến quyết tâm cho các cơ quan và đơn vị thuộc quyền, làm cơ sở soạn thảo các kế hoạch tác chiến và bảo đảm, tiến hành triển khai các công việc chuẩn bị.
Về điều chỉnh, bổ sung các văn kiện tác chiến: Trên cơ sở các văn kiện tác chiến đã chuẩn bị, cơ quan tham mưu chiến lược cần căn cứ vào quyết tâm của người chỉ huy để nhanh chóng phổ biến, chỉ đạo điều chỉnh hệ thống văn kiện: quyết tâm tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, kế hoạch tác chiến và kế hoạch bảo đảm tác chiến của các hướng chiến lược, của các quân, binh chủng, ngành; đồng thời soạn thảo bổ sung các mệnh lệnh, chỉ thị, chỉ lệnh,... theo quyết tâm mới. Đây là cơ sở để chuẩn bị và thực hành chỉ đạo điều hành tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh.
Về giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng tác chiến: Sau khi đã điều chỉnh kế hoạch tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, người chỉ huy tiến hành giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng chính thức giữa các hướng chiến lược, giữa các lực lượng tham gia tác chiến phòng thủ. Việc giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng cần căn cứ vào những thay đổi của quyết tâm, kế hoạch tác chiến và bảo đảm để bổ sung cho phù hợp. Nội dung giao nhiệm vụ cần làm rõ: tình hình lực lượng địch trực tiếp, lực lượng tiến công hỏa lực, lực lượng tiến công vào khu vực tác chiến phòng thủ chiến lược; ý định tác chiến phòng thủ; nhiệm vụ các đơn vị thuộc quyền; tổ chức chỉ huy; quy định thời gian báo cáo quyết tâm và thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị.
Tổ chức hiệp đồng tác chiến cần bảo đảm chặt chẽ giữa các lực lượng, các đơn vị tham gia trên địa bàn, lấy lực lượng tác chiến phòng thủ chiến lược làm trung tâm. Hiệp đồng phải chặt chẽ giữa lực lượng đánh địch tiến công hỏa lực, lực lượng tác chiến bảo vệ biển đảo với lực lượng tác chiến trong khu vực phòng thủ, nhất là giữa lực lượng phòng ngự, phòng thủ trên hướng chủ yếu với các lực lượng quân, binh chủng chi viện, phối hợp, giữa lực lượng đấu tranh vũ trang với lực lượng đấu tranh chính trị, giữa hoạt động tác chiến với hoạt động binh, địch vận,... Tổ chức hiệp đồng có thể theo giai đoạn hoặc theo nhiệm vụ tác chiến, lấy tác chiến phòng thủ, hướng chiến trường, khu vực phòng thủ chủ yếu, nơi địch sẽ tiến công đầu tiên,... làm trung tâm, nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng phối hợp, chi viện lẫn nhau, đồng thời bảo đảm cho hướng chiến trường chủ yếu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
Về bổ sung công tác chuẩn bị: đây là nội dung rất quan trọng của tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh. Trước hết, cần tiến hành nghiên cứu bổ sung để chuẩn bị chiến trường tác chiến phòng thủ, nhất là chuẩn bị bổ sung hệ thống đường cơ động, bổ sung các công trình phòng thủ, phòng ngự,... Trên cơ sở đó tổ chức chuẩn bị trực tiếp các lực lượng tác chiến phòng thủ.
Đồng thời, cần bổ sung các mặt công tác bảo đảm chính như: bảo đảm trinh sát nắm địch; bảo đảm công sự phòng thủ; bảo đảm thông tin liên lạc và tác chiến điện tử. Đồng thời cần bổ sung công tác chuẩn bị bảo đảm phòng không, phòng pháo, phòng tăng, phòng hóa, chống đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển, chống bạo loạn trong khu vực tác chiến, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, ngụy trang và nghi binh,...
Công tác bảo đảm tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh phải được tiến hành chu đáo, toàn diện, kịp thời, chủ động, liên tục trước và trong giai đoạn đầu của tác chiến phòng thủ chiến lược. Cần huy động mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, động viên cao nhất mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Trong chuẩn bị bảo đảm, cần ưu tiên tập trung lực lượng phương tiện, bảo đảm trên hướng chiến trường, khu vực, mục tiêu tác chiến phòng thủ chủ yếu.
Đồng thời, cần nghiên cứu việc củng cố công trình phòng thủ dân sự, dự kiến công tác động viên, tổ chức huy động, phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành và nhân dân tham gia phục vụ tác chiến và đấu tranh trong phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh.
Về tổ chức thực hành tác chiến: thực hành tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh bao gồm đánh địch tiến công hỏa lực, cơ động triển khai lực lượng tiến công; đánh địch tiến công vượt biên giới, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không; giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu của các địa bàn chiến lược trọng yếu, ngăn chặn làm thất bại tiến công của cụm lực lượng Thê đội I chiến lược của địch.