Điều chỉnh chế độ quốc phòng trong thời kỳ đầu chiến tranh

Lương Đàm
Trong điều chỉnh thế trận quốc phòng, cần đặc biệt chú ý xây dựng thế trận phòng, chống vũ khí công nghệ cao
596aa686-ca04-4bc1-b8d5-242bcc8f0ee6full-1693403881.jpg
Máy bay không người lái kỹ thuật siêu thanh Falcon (HTV-2) có vận tốc Mach 20, tương đương 25.000 km/h (tương đương với 20 lần tốc độ âm thanh trong bầu khí quyển). Với tốc độ này, Falcon HTV-2 có thể bay từ New York tới Los Angeles trong 12 phút. Falcon HTV-2 được thiết kế để tấn công mọi mục tiêu trên Trái đất. Ảnh: Internet.

Trước hết để phòng, chống vũ khí công nghệ cao, cần giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân và lực lượng vũ trang hiểu biết về cơ chế hoạt động, tính năng kỹ chiến thuật của các loại vũ khí công nghệ cao chủ yếu, thông qua các hình thức tuyên truyền giáo dục rộng rãi ngay từ thời bình. Cần nghiên cứu cách phòng, chống vũ khí công nghệ cao để tổ chức hướng dẫn, giáo dục, huấn luyện nhân dân và lực lượng vũ trang về cách phòng, chống, trên cơ sở đó củng cố tinh thần, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho bộ đội.

Việc hướng dẫn cách phòng, chống vũ khí công nghệ cao cần phân cấp, sát với đặc điểm yêu cầu hoạt động của từng lực lượng. Đồng thời, cần nghiên cứu cải tiến, sản xuất, mua sắm các phương tiện ngụy trang, nghi binh hiện đại và tương đối hiện đại nhằm giữ bí mật về lực lượng và công trình phòng thủ.

Cùng với việc tuyên truyền giáo dục, huấn luyện, cần xác định trách nhiệm cho các cấp chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang trong triển khai công tác phòng, chống vũ khí công nghệ cao của địch, làm cơ sở để nhân dân vận dụng vào trong công tác phòng thủ dân sự, chống tiến công hỏa lực của địch, cùng với lực lượng vũ trang phòng, chống có hiệu quả, nhất là thời kỳ đầu chiến tranh.

Ở các cấp đều phải tổ chức hệ thống trinh sát, quan sát phát hiện, thông báo, báo động rộng khắp từ xa đến gần, kịp thời thông báo, báo động địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, không để bị động, bất ngờ. Các lực lượng tham gia tác chiến phòng thủ cần chủ động xây dựng công trình phòng, tránh cho người, vũ khí trang bị, tổ chức lực lượng đánh trả các loại vũ khí công nghệ cao của địch, hạn chế thương vong, tổn thất.

Các hình thức cơ động, sơ tán, phân tán, ẩn nấp phải được vận dụng rất linh hoạt nhằm hạn chế khả năng trinh sát, phát hiện, đánh phá của địch. Cần triệt để lợi dụng địa hình, điều kiện thời tiết, khí hậu để xây dựng hệ thống công sự trận địa, hạn chế thiệt hại do vũ khí công nghệ cao của địch gây ra.

Đặc biệt, thế trận phòng, chống vũ khí công nghệ cao phải là thế trận chủ động. Để thực hiện phương châm đó, cần tổ chức chu đáo lực lượng tác chiến điện tử chuyên trách và bán chuyên trách, cùng với phát triển lực lượng tác chiến điện tử nhân dân rộng rãi.

Ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh, các lực lượng trên phải đủ khả năng tiến hành gây nhiễu, nghi binh, tiến công vào trung tâm thông tin, hệ thống các phương tiện tác chiến điện tử nhằm gây cản trở hoạt động thông tin liên lạc, chỉ huy, hiệp đồng, trinh sát, điều khiển hỏa lực và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tác chiến liên hợp của địch. Đồng thời, cần tổ chức tốt hệ thống phòng không nhân dân của ta, kết hợp chặt chẽ lực lượng phòng không các cấp, phòng không của lực lượng cơ động với phòng không tại chỗ, đánh chặn, tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình,... của địch.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến