Xây dựng thế trận quốc phòng đáp ứng nhu cầu mọi mặt của thời kỳ đầu chiến tranh (Phần 2)

Lương Đàm
Hoàn chỉnh thế bố trí của các lực lượng vũ trang trong xây dựng thế trận quốc phòng phải gắn với xây dựng, củng cố hệ thống căn cứ chiến đấu.
vietbac074548419-1692802096.jpg
Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng ra đời sớm nhất và lớn nhất trong thời kỳ chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945. Ảnh tư liệu.

Căn cứ chiến đấu cần lựa chọn ở những địa bàn có nhiều lợi thế, tận dụng được thế hiểm của địa hình, nơi có “thế trận lòng dân” vững chắc, có thể đánh và có thể giữ, tiện cơ động, triển khai, giữ được bí mật,...

Căn cứ chiến đấu có thể nằm trong căn cứ hậu phương, nơi được xây dựng vững chắc về mọi mặt để triển khai cơ quan lãnh đạo và chỉ huy tác chiến của các địa phương, nơi đứng chân của lực lượng vũ trang, nơi có thể trụ vững trước những đòn tiến công của địch, tạo bàn đạp cho lực lượng cơ động các cấp triển khai thực hiện tác chiến trên địa bàn. Xây dựng căn cứ chiến đấu cũng cần triển khai một cách đồng bộ như xây dựng khu vực phòng thủ then chốt, các thành phần căn cứ chiến đấu phải được liên kết chặt chẽ với nhau cả trong tổ chức và hoạt động.

Do tính chất quan trọng của căn cứ chiến đấu nên cần có sự nghiên cứu, đầu tư, lựa chọn xây dựng một cách chủ động của các địa phương, đồng thời có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự hướng dẫn, tổ chức triển khai của cơ quan quân sự và lực lượng vũ trang các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố, sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp quân khu và của Bộ Quốc phòng.

Khi xuất hiện tình huống chiến tranh, việc củng cố các căn cứ chiến đấu cần tập trung vào hướng, địa bàn trọng điểm, quan tâm củng cố sở chỉ huy, công trình chiến đấu, cơ động, ẩn nấp, hệ thống vật cản, cơ sở hậu cần kỹ thuật,...

Để xây dựng căn cứ chiến đấu, cần có quy hoạch, kế hoạch xây dựng ngay trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khi có tình huống chiến tranh, nhanh chóng huy động lực lượng nhân dân, các tổ chức, cơ sở sản xuất có khả năng nhân lực, phương tiện, kỹ thuật tham gia, lấy lực lượng tại chỗ là chủ yếu có sự giúp đỡ của lực lượng kỹ thuật của các quân khu, Bộ,...

Các căn cứ chiến đấu cần được nghiên cứu, lựa chọn kỹ, có các biện pháp bảo đảm bí mật, tích cực cải tạo, lợi dụng được lợi thế của địa hình, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các căn cứ chiến đấu theo quy hoạch thống nhất của từng địa phương quân khu và từng hướng chiến lược.

Cùng với xây dựng căn cứ chiến đấu, cần xây dựng, củng cố khu vực triển khai lực lượng cơ động của Bộ. Khu vực triển khai lực lượng cơ động của Bộ là chỗ tạm dừng để tiến hành công tác chuẩn bị, đối phó với đòn tiến công hỏa lực, tiến công bất ngờ của lực lượng đặc nhiệm, sẵn sàng cơ động, triển khai đánh địch đổ bộ đường không, tiến công đường bộ,...

Các địa phương cần căn cứ vào ý định của Bộ, phương án phòng thủ, kế hoạch tác chiến các hướng chiến lược để xây dựng các công trình chiến đấu, bảo đảm chiến đấu cho lực lượng cơ động thực hiện các chiến dịch phản công, tiến công trên địa bàn. Đây là thành phần quan trọng của thế trận phòng thủ chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

dien-bien-phu-1-1692802573.jpg
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong trận 12 ngày đêm. Ảnh: TTXVN.

Nội dung xây dựng, củng cố khu vực triển khai lực lượng cơ động của Bộ gồm: các khu vực tập kết bí mật của lực lượng cơ động, khu vực trú quân, sở chỉ huy, hệ thống công trình ẩn nấp, chiến đấu,... Cần quan tâm xây dựng hệ thống đường cơ động của bộ binh, các phương tiện cơ giới từ khu vực tập trung bí mật ra vị trí triển khai đánh địch trên các hướng theo những phương án dự kiến, tập trung cho phương án chính.

Cần chủ động dự kiến và xây dựng từ thời bình, khi tình huống chiến tranh huy động mọi lực lượng củng cố, hoàn chỉnh các công trình chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của lực lượng cơ động trước khi địch tiến công.

Hoàn chỉnh thế bố trí của các lực lượng vũ trang cũng cần gắn chặt với xây dựng, củng cố căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật và xây dựng thế trận bảo đảm hậu cần - kỹ thuật. Căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật là một thành phần cơ bản của thế trận phòng thủ chiến lược, nhân tố quan trọng quyết định sự vững chắc của thế trận bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, ngay trong thời bình, trên các hướng chiến lược cần khảo sát, quy hoạch và từng bước triển khai xây dựng các yếu tố cần thiết của căn cứ hậu phương chiến lược, vùng chiến lược, căn cứ hậu phương tại chỗ của các khu vực phòng thủ địa phương. Khi có tình huống chiến tranh, cần nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh để bảo đảm các mặt cho lực lượng tác chiến trên các hướng chiến lược...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến