Thời kỳ đầu chiến tranh và vấn đề xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (Phần 1)

Thế trận là một phạm trù cơ bản trong nghệ thuật quân sự, phản ánh phương thức, cách thức bố trí các lực lượng sao cho đạt hiệu quả tối ưu của từng lực lượng cũng như tạo nên sức mạnh liên kết, hỗ trợ, hiệp đồng tác chiến của các lực lượng theo phương án tác chiến thống nhất.
images1102889-1-anh-huy-1692278970.gif
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ảnh báo Gia Lai.

Thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta có vai to lớn trong hoạt động quân sự, là giải pháp chủ yếu để hạn chế ưu thế, sức mạnh của địch, khắc phục những khó khăn, hạn chế của ta, tận dụng, phát huy lợi thế, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh địch trong thế có lợi. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, việc tạo lập và vận hành thế trận một cách tối ưu thậm chí có thể cho phép chuyển hóa từ những lực lượng không quá mạnh thành lực lượng tổng thể hơn hẳn đối phương, xoay chuyển hẳn cả cục diện tác chiến.

Đối với điều kiện nước ta, nghệ thuật quân sự truyền thống đặc biệt coi trọng thế trận. Vốn là một dân tộc thường xuyên phải đối mặt với chiến tranh, lại phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có tiềm lực, sức mạnh quân sự hơn hẳn, nên cùng với những kế sách, phương lực quân sự phù hợp khác, việc tạo lập và vận hành thế trận có lợi, luôn nắm chắc sự chuyển hóa thế trận, trở thành một vấn đề mang tính sống còn của cuộc kháng chiến nói chung, từng trận đánh nói riêng.

Về cơ bản, nghệ thuật quân sự truyền thống của Việt Nam đặc biệt coi trọng tính chất toàn dân, toàn diện, chỉnh thể trong tạo lập thế trận, cũng như tính chất năng động, uyển chuyển, đa hướng mà vững chắc, có chiều sâu trong vận hành thế trận.

Trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay, cần kế thừa truyền thống “chúng chí thành thành” để sẵn sàng phát triển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi xuất hiện tình huống đòi hỏi. Đó không phải là thể trận để “chờ” đối phó với chiến tranh, mà là thế trận được tổ chức và bố trí theo mục tiêu xây dựng đất nước kết hợp với làm thất bại cuộc tiến công nhiều mặt của các thế lực thù địch ngay trong điều kiện hòa bình, để khi chiến tranh xảy ra thì tất cả các cơ sở, tiền đề đã được chuẩn bị sẽ chuyển thành sức mạnh vật chất một cách có tổ chức nhằm phát huy được hiệu quả đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Cần quán triệt sâu sắc các quan điểm cơ bản: thứ nhất, thế trận quốc phòng của ta là thế trận toàn dân, mỗi người dân đều được khẳng định vai trò trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, được chuẩn bị tốt về chính trị tư tưởng, được tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện cách thức đấu tranh với địch trên các mặt trận chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; có cơ chế lãnh đạo phù hợp để phát huy sức mạnh của từng người, từng tổ chức thành sức mạnh tổng hợp.

Thứ hai, đó là thế trận toàn diện, tích hợp sức mạnh từ tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội như kinh tế chính trị, khoa học - công nghệ, văn hóa, đối ngoại, quân sự...; mỗi lĩnh vực đó trở thành một “binh chủng”, liên kết chặt chẽ với nhau hợp thành một khối thống nhất trong thế trận quốc phòng toàn dân của cả nước.

images1102890-2-anh-huy-1692279137.gif
Một buổi luyện tập của bộ đội chính quy. Ảnh báo Gia Lai.

Thứ ba, đó là thế trận vững chắc và linh hoạt. Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập nền kinh tế thế giới, vị thế của đất nước đang tiến lên, nên việc xây dựng thế trận trong thời bình phải bảo đảm vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, vừa trên cơ sở dự kiến các phương án của chiến tranh nhân dân để triển khai sao cho kết quả chuẩn bị ấy phát huy tác dụng khi chiến tranh xảy ra.

Thứ tư, đó là thế trận phòng ngừa, ngăn chặn là chính, đồng thời có khả năng triển khai sức mạnh tại chỗ để giải quyết khi cần thiết. Lực lượng vũ trang làm nòng cốt và hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh chính trị; song cần nắm chắc tình hình, xử lý nhanh gọn, kịp thời, không để cho kẻ thù kịp tập hợp lực lượng, móc nối với bên ngoài, mở rộng hoạt động chống đối.

Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Để thực hiện tốt sự kết hợp này, phải coi trọng xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện.

Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân phải thực sự là của toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa lao động sản xuất với sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm “địch đến là đánh được, địch đi là sản xuất”. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân thực chất là xây dựng và củng cố các điều kiện tổng thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... nhằm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đẩy nhanh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân không những nhằm đối mặt với các thế lực thù địch, các loại đối tượng phản động đang ráo riết chống phá, mà còn phải xử lý các vấn đề phức tạp phương hại đến an ninh quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập nền kinh tế thế giới.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến