Thời kỳ đầu chiến tranh và vấn đề xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (Phần 2)

Việc gắn kết giữa thế trận quốc phòng với thế trận an ninh đòi hỏi thế trận an ninh nhân dân cần được bố trí, triển khai toàn diện trên từng địa bàn theo ý đồ chiến lược được xác định, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phù hợp với các hoạt động của đối tượng và đối tác nhằm vừa chống “giặc ngoài”, vừa chống “thù trong”.
quan-doi-nhan-dan-viet-nam-luc-luong-nong-cot-tien-phong-di-dau-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-1692279446.jpg
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm lực lượng nòng cốt để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Internet

Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân cần được xây dựng và phát triển cả bề rộng và chiều sâu, kết hợp các lực lượng, kết hợp các biện pháp quản lý nhà nước và pháp luật với các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, vừa chủ động phòng ngừa, vừa tích cực tiến công làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động của kẻ địch và bọn tội phạm.

Xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc là một trong những nhân tố cốt lõi của thế trận quốc phòng toàn dân. Thuật ngữ “thế trận lòng dân” được sử dụng nhiều ở nước ta gần đây như sự khái quát kinh nghiệm lịch sử về dựa hẳn vào dân để tìm nguồn sức mạnh giữ nước, và thường được hiểu với ý nghĩa có được lòng dân thì có được thế trận giữ nước. Đương nhiên, nói đến thế trận lòng dân trước hết phải nói đến yếu tố cốt lõi là lòng dân.

Song, lòng dân có thể được tiếp cận ở nhiều góc độ: Sức mạnh lòng dân, tiềm lực lòng dân, lực lượng lòng dân, thế trận lòng dân. Theo đó, thế trận lòng dân là dựng lòng dân thành thế trận, tựa như quan niệm truyền thống của người Việt về “chúng chí thành thành”, nghĩa là lòng dân trở thành bức tường thành giữ nước vững chãi.

Trong tất cả các cuộc chiến tranh, dù với tính chất chính trị - xã hội như thế nào thì các bên tham chiến cũng đều phải tính đến tìm sức mạnh ở đâu để chiến thắng, và điều đó liên quan trực tiếp tới vấn đề chiến thắng ấy sẽ đem lại lợi ích cho ai. Đối với các cuộc chiến tranh tự vệ, cả chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ đất nước, thì yếu tố dân luôn chiếm ưu trội trong tính toán của các nhà chiến lược nhằm tạo lập nền tảng vững chắc tiến hành chiến tranh, và để làm được điều đó thì trước hết phải xác định và nêu bật được lợi ích của dân trong cả quá trình chuẩn bị chiến tranh, tiến hành chiến tranh và đặc biệt là sau khi cuộc chiến tranh giành được thắng lợi.

Xét đến cùng quần chúng nhân dân làm nên lịch sử, đó là một nguyên lý khoa học được đúc kết từ thực tiễn lịch sử nhân loại. Đặc biệt, trong đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội, chiến tranh..., giai cấp lãnh đạo và nhà nước nào thấu triệt vấn đề này thì sẽ tìm được sức mạnh thực sự bằng cách khơi dậy tiềm lực trong dân.

Đối với dân tộc ta, vấn đề càng trở nên hiển nhiên, bởi lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, việc cố kết dân tộc tạo sức mạnh cộng đồng chống chọi với cả thiên tai và địch họa không những là nhu cầu cấp thiết mà còn trở thành giá trị truyền thống mang tính vĩnh hằng. Dưới khía cạnh khác, các nhà lãnh đạo đất nước muốn tạo được sức mạnh từ dân thì ít nhiều phải tính đến lợi ích của dân. Đó cũng là tính quy luật của lịch sử.

ttxvn-danquanbaovecauhamrong-1-1692279657.jpg
Đội dân quân trực chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) đang luyện tập bắn máy bay Mỹ năm 1965. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, so với việc làm thế nào để giữ được lòng dân thì việc tạo dựng lòng dân ấy thành thế trận giữ nước còn khó hơn gấp bội. Việc tìm sức mạnh trong dân để giữ nước chỉ thực hiện được khi tỏ rõ lợi ích của việc cố kết cộng đồng, khi làm cho ý thức độc lập dân tộc thấm sâu vào mỗi người dân, trở thành cốt cách văn hóa mang tính truyền thống. Tiềm lực mọi mặt từ dân chỉ trở thành thực lực kháng chiến khi được thiết kế thực sự phù hợp với từng bối cảnh lịch sử cụ thể, từng địa bàn chiến lược cụ thể. Có thực hiện được như vậy thì người dân mới không chỉ tạo hậu thuẫn cho lực lượng kháng chiến, mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu, làm cho lực lượng ta lúc đầu nhỏ yếu cuối cùng lớn vượt lên.

Thế trận lòng dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay là sự tiếp nối tất yếu thế trận lòng dân trong lịch sử giữ nước của dân tộc, đồng thời cần có sự phát triển vượt bậc do đòi hỏi của bối cảnh đương đại. Không chỉ tích hợp những giá trị cơ bản của thế trận lòng dân trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vốn đã có bước nhảy vọt về chất so với chiến tranh toàn dân trong lịch sử dân tộc, mà thế trận lòng dân hiện nay còn cần được tham chiếu những yếu tố rất mới.

Nếu như trong thời đại phong kiến, điểm tựa hình thành chiến tranh toàn dân luôn là lợi ích của giai cấp phong kiến rồi mới tìm đến sức mạnh của dân, thì đến thời đại mới, chiến tranh nhân dân luôn lấy điểm tựa là lợi ích của nhân dân, từ nhu cầu, nguyện vọng và ý chí của nhân dân tất yếu tìm đến người lãnh đạo chân chính là Đảng Cộng sản Việt m. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, khi lợi ích của nhân dân đã có sự biến đổi theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, thì chiến lược lòng dân nói chung, việc xây dựng thế trận lòng dân bảo vệ Tổ quốc nói riêng, cần có những điều chỉnh lớn cả về định hướng và giải pháp.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến