Thời điểm kết thúc phòng thủ trong thời kỳ đầu chiến tranh

Lương Đàm
Tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh có thể kết thúc trong trường hợp thuận lợi hoặc trường hợp không thuận lợi, và trong từng trường hợp cần có cách xử lý phù hợp. Trường hợp thuận lợi xuất hiện khi lực lượng địch trên các hướng tiến công chiến lược bị thương vong tổn thất lớn và cơ bản đã bị chặn lại, tốc độ tiến công chậm, suy yếu.
screenshot-2-1696347060.png
Bộ đội đặc công luyện tập nhảy dù chống khủng bố, cứu nạn và cứu hộ. Ảnh: Internet.

Lực lượng đổ bộ đường không bị bao vây, chia cắt, bị thương vong, tổn thất lớn, không thực hiện được ý đồ tiến công. Lực lượng phía sau bị ta bám đánh, buộc phải phân tán đối phó. Ý đồ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh không thực hiện được. Phong trào phản đối chiến tranh lan rộng, nhân dân các nước có quân tham chiến đấu tranh đòi rút quân về nước. Trong hàng ngũ địch đã xuất hiện phong trào phản chiến.

Đối với ta, đã hoàn thành chuyển đất nước sang thời chiến, đứng vững trước đòn tiến công đầu tiên của địch, lực lượng chủ lực về cơ bản được bảo vệ, lực lượng các quân khu, các địa phương đã được phục hồi, củng cố. Các địa bàn, khu vực phòng thủ chủ yếu trên các hướng chiến lược được giữ vững, mục tiêu phòng thủ then chốt của các khu vực phòng thủ địa phương về cơ bản giữ được. Thế chiến lược ổn định, tinh thần, quyết tâm kháng chiến được giữ vững. Liên minh chiến đấu với các nước anh em được tăng cường, củng cố.

Trong trường hợp thuận lợi, hoạt động kết thúc tác chiến chiến lược đòi hỏi các lực lượng phòng thủ, phòng ngự của địa phương kiên quyết giữ vững các khu vực, mục tiêu phòng thủ, cùng với lực lượng chủ lực của quân khu mở các đòn phản công, tiến công thu hẹp không gian chiếm đóng của địch, chiếm lại các mục tiêu có giá trị chiến dịch, chiến lược, cải thiện thế trận phòng thủ trên các hướng.

a2-1-1696347320.jpg
Giao nhiệm vụ cho các lực lượng tại khu tập kích chiến đấu. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Đồng thời, các lực lượng cần nhanh chóng củng cố các khu vực phòng thủ chủ yếu, mục tiêu phòng thủ then chốt trên các hướng sẵn sàng đánh địch tiến công tiếp theo. Lực lượng cơ động chiến lược nhanh chóng tự củng cố, điều chỉnh thế trận, phối hợp với lực lượng của quân khu tiến hành những hoạt động tác chiến tạo thế, tạo thời cơ. Khi điều kiện cho phép thì mở các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược phản công, tiến công, nhất là hướng chủ yếu, quan trọng.

Trường hợp khó khăn xuất hiện khi lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu của địch tuy đã bị ngăn chặn, nhưng trên một số hướng chiến lược khác chúng đã đánh chiếm được một vài địa bàn, nhất là trên hướng biển, khu vực biên giới và một số mục tiêu, khu vực phòng thủ chủ yếu khác. Lực lượng đổ bộ đường không chiến lược của địch cũng đã liên kết được với lực lượng bạo loạn lật đổ bên trong, hình thành thế chia cắt chiến lược; cụm lực lượng phía sau đang tiếp tục cơ động, triển khai sẵn sàng phát triển tiến công.

Đối với ta, lực lượng phòng thủ phía trước bị tổn thất, đang tiếp tục phải củng cố, trong khi đó đã phải sử dụng lực lượng chủ lực cơ động của quân khu. Lực lượng cơ động chiến lược về cơ bản cũng đã phải sử dụng, song vẫn bị mất một số khu vực phòng thủ chủ yếu trên một số hướng của quân khu. Trên một số hướng chiến lược, thế trận rơi vào tình trạng giằng co, thậm chí bị phá vỡ hoặc đang có nguy cơ bị phá vỡ.

4-qdnd-vn-1696347140.jpg
Thực hành tác chiến phòng thủ. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Trong trường hợp không thuận lợi, trên hướng phòng thủ chủ yếu tổ chức một số chiến dịch phản công, tiến công, tạo thế, tạo thời cơ cho các hướng phòng thủ khác đánh địch, chủ động kết thúc tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh. Trên các hướng khác kiên quyết giữ vững khu vực, mục tiêu phòng thủ còn lại. Lực lượng chủ lực cơ động tận dụng thời cơ phối hợp với chiến trường chính tổ chức một số đòn phản công, tiến công khôi phục lại các mục tiêu có giá trị chiến dịch, chiến lược, cải thiện thế trận phòng thủ. Đi đôi với tập trung đánh bại địch đổ bộ đường không, phá thế chia cắt của địch, cần nhanh chóng củng cố lực lượng, thế trận, đẩy mạnh hoạt động tác chiến và đấu tranh, sẵn sàng chuyển sang phản công, tiến công.

Trong cả hai trường hợp kết thúc tác chiến chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, các hướng chiến lược và các lực lượng đều cần nhanh chóng sơ kết, rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm tác chiến và đấu tranh. Đồng thời, cần làm tốt công tác chính sách, kịp thời xác định chủ trương, biện pháp tác chiến mới, tiến hành các mặt công tác chuẩn bị và bảo đảm tác chiến cho những giai đoạn tác chiến phòng thủ tiếp theo.

Lý luận và thực tiễn của thời kỳ đầu chiến tranh trong nước và trên thế giới, trong lịch sử và thời hiện đại, đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm giữ nước quý báu. Thế giới đương đại là một thế giới toàn cầu hóa với quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Hòa bình là xu thế chủ đạo.

Chiến tranh thế giới ít có khả năng xảy ra. Song các cuộc xung đột, đấu tranh vũ trang, thậm chí chiến tranh trong phạm vi một vài quốc gia, dân tộc vẫn có thể xuất hiện nơi này, nơi khác. Chính vì vậy, lo giữ nước từ khi nước chưa nguy vẫn luôn là bài học để đời đối với dân tộc Việt Nam.

Để đủ thế mạnh duy trì nền hòa bình, tạo môi trường thuận lợi phát triển đất nước, đồng thời sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống chiến lược phức tạp, kể cả chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao nếu xảy ra, vấn đề có ý nghĩa quan trọng trực tiếp là xây dựng nền quốc phòng đủ mạnh. Đó là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, vừa vững chắc, có chiều sâu, vừa linh hoạt, năng động, sẵn sàng chuyển hóa thành sức mạnh giữ nước hiện thực khi chiến tranh xảy ra.

Đặc biệt, sự đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ đầu chiến tranh gắn với những đặc điểm mới của thế giới đương đại phải được thể hiện đậm nét trong xây dựng tất cả các thành tố cơ bản của nền quốc phòng toàn dân hiện nay. Tập trung hàng đầu là các vấn đề: xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn diện và vững chắc; xây dựng thế trận quốc phòng có trọng điểm và chiều sâu; xây dựng lực lượng quốc phòng rộng khắp với lực lượng vũ trang tinh, gọn mạnh làm nòng cốt; xây dựng phương thức vận hành nền quốc phòng sẵn sàng chuyển hóa thành phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; chuẩn bị tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh chủ động, cụ thể.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến