Trên hướng biên giới, một bộ phận cụm lực lượng chiến lược phía trước vượt biên giới, đánh chiếm các xã, huyện, thị trấn, các đầu mối giao thông, cửa khẩu,... gần và trên tuyến biên giới, lập bàn đạp cho lực lượng phía sau. Trên hướng biển, Thê đội I thuộc cụm viễn chinh đổ bộ thực hành đổ bộ, đánh chiếm các cảng biển, mở rộng, chiếm giữ các điểm cao, một số xã, huyện, thị trấn, trận địa phòng ngự, phòng thủ của ta ở tuyến ven biển,...
Lực lượng đổ bộ đường không nhanh chóng đổ bộ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như: Mục tiêu then chốt, đầu mối giao thông, các điểm cao trên trục giao thông của tỉnh, thành phố, huyện trên biên giới, ven biển,... Địch còn có thể sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt bất ngờ tiến công đánh vào các cơ quan đầu não, sở chỉ huy cấp chiến lược, chiến dịch, các trận địa hỏa lực của ta.
Không quân, tên lửa, pháo binh, hệ thống trinh sát tiến công từ vũ trụ, hệ thống định vị toàn cầu, các loại bom đạn điều khiển chính xác cao sẽ tiếp tục được địch sử dụng đánh phá các mục tiêu trọng yếu sâu bên trong, đồng thời trực tiếp giám sát, chi viện cho các lực lượng thực hành tiến công trên bộ.
Địch cũng sẽ triển khai các tàu sân bay, tàu ngầm, tàu hỏa lực, tàu quét mìn,... phong tỏa các cảng biển, cửa sông, chi viện cho các hướng tiến công; thiết lập các cầu cảng trên một số khu vực để đưa lực lượng, phương tiện lên bờ, thiết lập các căn cứ hỏa lực chi viện cho phát triển tiến công đánh chiếm những mục tiêu bên trong,... Các cụm lực lượng chiến lược phía sau sẽ cơ động, triển khai áp sát biên giới, sẵn sàng tăng cường lực lượng cho cụm lực lượng chiến lược phía trước, hoặc phát triển tiến công vào chiều sâu thế trận phòng thủ chiến lược của ta.
Trong giai đoạn này, địch sẽ sử dụng các thủ đoạn nghi binh nhằm làm phân tán, hạn chế khả năng đối phó của ta. Thêm vào đó, rất có thể lực lượng phản động nội địa kết hợp với lực lượng vũ trang xâm nhập từ ngoài vào gây bạo loạn vũ trang phối hợp với các đòn tiến công từ bên ngoài.
Về phía ta, lực lượng trên các khu vực phòng thủ biên giới, tuyến ven biển kiên quyết ngăn chặn, đánh bại địch tiến công, giữ địa bàn, không để địch vào sâu. Lực lượng của các tỉnh, huyện ven biển kiên quyết ngăn chặn, đánh bại địch, giữ vững các đảo gần, sát thương, ngăn chặn địch đổ bộ, không để địch mở rộng khu vực đánh chiếm, phát triển tiến công. Một bộ phận chủ lực của quân khu được sử dụng phối hợp với lực lượng tại chỗ thực hiện các trận phản kích, chiến dịch phản công quy mô nhỏ, kết hợp với tác chiến rộng khắp giữ vững các mục tiêu phòng thủ then chốt.
Lực lượng vũ trang tại chỗ kiên quyết tiêu diệt lực lượng đặc nhiệm, bảo vệ các cơ quan đầu não, sở chỉ huy, các trận địa hỏa lực của ta. Các lực lượng phòng thủ củng cố công sự trận địa, bổ sung, điều chỉnh phương án, thế trận sẵn sàng đánh địch tiến công tiếp theo.
Lực lượng pháo binh tên lửa, cùng với lực lượng hỏa lực của các quân khu được sử dụng để chi viện cho các lực lượng đánh địch bảo vệ địa bàn, tập kích hỏa lực, phá hủy một phần các căn cứ hỏa lực của địch,... Lực lượng hải quân được sử dụng nhằm chi viện cho các lực lượng phòng thủ xa bờ; tổ chức các đòn đột kích hải quân đánh phá giao thông, vận tải trên biển của địch, tiêu diệt tàu địch, hạn chế hoạt động phong tỏa của chúng; phối hợp cùng lực lượng phòng thủ ven bờ đánh địch, bảo vệ các đảo gần và đánh địch đổ bộ.
Lực lượng phòng không các cấp, nhất là phòng không của các khu vực phòng thủ, tích cực đánh máy bay, tên lửa hành trình, phòng, tránh, khắc phục hậu quả đòn tiến công hỏa lực, sẵn sàng đánh địch tiến công vào sâu. Bộ đội địa phương cùng một bộ phận chủ lực của quân khu kết hợp với công an, dân quân tự vệ, quần chúng nhân dân, chính quyền, các ban, ngành địa phương nhanh chóng dập tắt bạo loạn, ngăn chặn, tiêu diệt các toán vũ trang phản động xâm nhập từ bên ngoài vào và lực lượng đổ bộ đường không của địch.