Thời kỳ đầu chiến tranh được xác định một cách tương đối, song vẫn là một thực thể hữu hình cả về mặt thời gian, nội dung hoạt động và phương thức tiến hành. Về thời gian, thời kỳ đầu chiến tranh được tính từ khi có những động thái đầu tiên của chiến tranh đến khi giành được mục tiêu ban đầu của cuộc chiến, tuy việc xác định các mục tiêu chiến lược trước mắt ấy của từng bên tham chiến không hoàn toàn như nhau.
Về nội dung hoạt động, cùng với triển khai thực hiện các hoạt động tác chiến quân sự đầu tiên là sự tiếp tục tập hợp lực lượng, huy động tiềm lực quân sự, chuẩn bị lực lượng vũ trang, chuyển trạng thái đất nước sang thời chiến, động viên thời chiến, đẩy mạnh ngoại giao,... Về phương thức tiến hành chiến tranh, đấu tranh vũ trang là phương thức đặc trưng và đóng vai trò trung tâm, đồng thời phải kết hợp với tiến hành các phương thức đấu tranh tổng hợp khác.
Chiến tranh nổ ra luôn kéo theo những đảo lộn lớn về chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi rộng hơn phạm vi của bản thân cuộc chiến. Những chuyển biến về chính trị, kinh tế văn hóa - xã hội bao giờ cũng diễn ra hết sức đột ngột ở thời kỳ đầu chiến tranh. Sự vận hành hệ thống bộ máy chính trị và chính sách đối nội, đối ngoại của các nhà nước, sự phát triển các nền kinh tế và các chính sách kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần, các mối quan hệ xã hội, vị thế con người trong cộng đồng và trách nhiệm của con người trước cộng đồng, đều bị đảo lộn so với trong môi trường hòa bình.
Mọi phương diện đời sống xã hội chỉ “quen dần” với môi trường chiến tranh khi chiến tranh đã kết thúc thời kỳ đầu. Đặc biệt, về phương diện đấu tranh vũ trang, thời kỳ đầu chiến tranh là thời kỳ đặt ra thử thách gay gắt nhất đối với bản lĩnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Điều đó không chỉ diễn ra đối với các bên tham chiến mà cả những “kẻ ngoài cuộc”.
Gắn liền với các cuộc chiến tranh đã diễn ra trong lịch sử thế giới, thực tiễn thời kỳ đầu chiến tranh cũng được thể hiện rất đa dạng. Thời kỳ này có thể dài, ngắn khác nhau, phạm vi rộng, hẹp khác nhau và nội dung, phương thức tiến hành không hoàn toàn như nhau, song thời kỳ đầu chiến tranh luôn đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các cuộc chiến tranh. Đó chính là điểm tựa ban đầu rất quan trọng, đồng thời là tiền đề để các bên tham chiến điều chỉnh kế hoạch tiến hành chiến tranh của mình.
Trong thời đại chiến tranh bạch khí, thời kỳ đầu chiến tranh có thể kéo rất dài, nhưng không gian tương đối hẹp. Nội dung chủ yếu chỉ là đặt điểm tựa ban đầu cho cuộc chiến, và hầu như đồng nhất với thời kỳ chuẩn bị chiến tranh. Song đến thời cận - hiện đại, sự phát triển sản xuất công nghiệp đem đến những bước tiến mới về vũ khí, trang bị cùng sự xuất hiện quân đội chính quy với các đội quân đông đã làm cho thời kỳ đầu chiến tranh mang những đặc trưng mới: Không gian mở rộng, thời gian rút ngắn, nội dung và phương thức tiến hành chiến tranh cũng dần dần phức tạp, mang tính toàn diện hơn. Vì thế, vị trí, vai trò của thời kỳ đầu chiến tranh trở nên quan trọng, thậm chí đặt tiền đề thiết yếu ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc chiến.
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ XX, thời kỳ đầu chiến tranh có những bước phát triển đột biến. Do sự phát triển vượt bậc của vũ khí, trang bị, tổ chức quân đội nên thời kỳ đầu chiến tranh thường bao gồm các chiến dịch - chiến lược quy mô lớn mà kết cục của nó có thể dẫn tới giải quyết dứt điểm cuộc chiến tranh, hay ít nhất cũng tạo ra các tiền đề dẫn tới xu thế phát triển chiến tranh không thể đảo ngược.
Đặc biệt, các cuộc chiến tranh công nghệ cao cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã đánh dấu sự phát triển tột mức của thời kỳ đầu chiến tranh: toàn bộ cuộc chiến tranh được phân định thắng - thua ngay ở thời kỳ đầu, thậm chí chiến tranh đồng nhất với thời kỳ đầu chiến tranh. Chính sự phát triển mới này khiến các nước phải tính toán về phương diện quốc phòng sao cho khi chiến tranh xảy đến, phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó.