Phòng thủ toàn diện là triển khai phòng thủ, đánh địch ở tất cả các môi trường tác chiến: Trên bộ, trên không, trên biển, môi trường điện tử.., coi trọng tổ chức tác chiến phòng thủ rộng khắp, tập trung đánh địch tiến công trên bộ. Phòng thủ toàn diện phải thích hợp, gắn với các hình thức đấu tranh: Kinh tế, chính trị, tư tưởng, tâm lý, văn hóa, ngoại giao,... nhằm bảo vệ lực lượng, tiềm lực chiến tranh, tạo sức mạnh tổng hợp đánh bại địch tiến công trên tất cả các hướng.
Phòng ngự trọng điểm là tập trung phòng ngự trên những địa hình hiểm yếu, then chốt, các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội,… trọng yếu, có giá trị về chiến dịch, chiến lược trong thế trận phòng thủ chung mà địch sẽ phải tiến công đánh chiếm và vượt qua. Đó cũng là nơi ta cần phải giữ vững, đồng thời có điều kiện thuận lợi để triển khai lực lượng, hình thành thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc, có chiều sâu, có cả thế đánh và thế giữ, có thể đánh địch một cách hiệu quả, ngăn chặn và đánh bại quân địch tiến công.
Tiến công có lựa chọn là tư tưởng chỉ đạo việc lựa chọn thời cơ, đối tượng, địa bàn, quy mô, hình thức, phương thức tác chiến có lợi, bảo đảm phản công, tiến công có hiệu quả. Tiến công có lựa chọn thì mới sát thương, tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, cùng với tác chiến phòng ngự, phòng thủ làm cho địch sa lầy, suy yếu, thất bại, đồng thời hạn chế thương vong của ta, giữ vững mục tiêu, địa bàn chủ yếu, quan trọng, tạo thế, thời cơ cho các hoạt động tiếp theo.
Giữ vững thế trận là làm cho thế trận chiến tranh nhân dân, nòng cốt là thế bố trí của các lực lượng chiến lược, đứng vững không chỉ trong thời kỳ đầu mà còn xuyên suốt cuộc chiến tranh. Đó chính là giữ vững các địa bàn chiến lược trọng yếu, hệ thống các công trình tác chiến và bảo đảm tác chiến, giữ vững thế trận lòng dân, củng cố ý chí, quyết tâm chiến đấu của lực lượng vũ trang, ổn định tình hình, giữ được cục diện chiến lược có lợi cho các hoạt động tác chiến và đấu tranh tiếp theo.
Càng đánh càng mạnh là tư tưởng chỉ đạo đòi hỏi tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu phải tạo tiền đề cho tác chiến chiến lược trong suốt quá trình chiến tranh; tác chiến chiến lược tiếp sau phải phát huy chiến quả đã giành được. Càng đánh càng mạnh còn bao hàm việc giành lại thế chủ động chiến lược, tạo sự thay đổi của cục diện chiến trường, chiến tranh để chuyển sang phản công, tiến công chiến lược kết thúc chiến tranh thắng lợi. Để thực hiện điều đó, mọi tiềm lực và lực lượng chủ yếu nhất thiết phải được bảo tồn qua thời kỳ đầu chiến tranh và không ngừng được củng cố, phát triển.
Các nội dung trên trong tư tưởng chỉ đạo tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh gắn bó hữu cơ, tác động hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, hợp thành chỉnh thể thống nhất, nhằm hạn chế sức mạnh của địch, phát huy ưu thế sở trường các lực lượng của ta, tạo sức mạnh tổng hợp ở những thời điểm, địa bàn quan trọng. Việc đánh bại tiến công của địch, đứng vững trước những thử thách đầu tiên, giữ vững thế trận chiến lược cơ bản của ta là tiền đề để tạo thế, tranh thời, chuyển lực cho các hoạt động tác chiến và đấu tranh tiếp theo giành thắng lợi.
Về thực chất, tư tưởng chỉ đạo tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là sự thể hiện của tư tưởng cách mạng tiến công. Điều đó đòi hỏi thường xuyên nghiên cứu nắm chắc địa bàn tác chiến; đánh giá đúng so sánh lực lượng, thế trận của địch, của ta và các yếu tố có liên quan khác trên các hướng chiến lược. Việc nắm vững âm mưu, thủ đoạn tiến công của địch cho phép chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến, xác định đúng phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến, vận dụng linh hoạt quy mô, loại hình, phương thức tác chiến và đấu tranh, luôn đánh địch ở thế có lợi và chủ động tác chiến.