Xây dựng thế trận quốc phòng đáp ứng nhu cầu mọi mặt của thời kỳ đầu chiến tranh (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch xây dựng căn cứ hậu phương, cũng cần nghiên cứu xây dựng các yếu tố cơ bản cho các căn cứ hậu cần kỹ thuật của các lực lượng trên địa bàn, sẵn sàng hoàn chỉnh khi có chiến tranh.
ttxvn-1502-bien-gioi4-1692802781.jpg
Các nữ chiến sĩ tự vệ Lâm trường Bản Phiệt, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bám trụ chiến đấu, phối hợp với bộ đội địa phương đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Ảnh: TTXVN.

Việc xây dựng căn cứ hậu phương chiến lược, vùng chiến lược, căn cứ hậu cần - kỹ thuật của các quân khu, quân, binh chủng, của các khu vực phòng thủ địa phương cần tạo thành thế trận bảo đảm vững chắc, tập trung cho hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm, mục tiêu phòng thủ then chốt, có các biện pháp duy trì hoạt động bảo đảm.

Quá trình xây dựng căn cứ hậu phương chiến lược, vùng chiến lược, căn cứ hậu cần - kỹ thuật cần chú ý phát huy khả năng độc lập, tự lực bảo đảm trong tình huống bị địch bao vây phong toả, chia cắt, nhất là bảo đảm cho tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, đồng thời có dự kiến những kế hoạch bảo đảm cho các chiến dịch, chiến dịch chiến lược phản công, tiến công của lực lượng chủ lực cơ động trên địa bàn,...

Trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, cần nghiên cứu phát huy cao nhất khả năng bảo đảm của “hậu phương tại chỗ” và “hậu phương đa hướng”, coi trọng tính cơ động, tính linh hoạt, bí mật trong tổ chức bảo đảm, khả năng tự bảo vệ trước đòn tiến công của hỏa lực, tiến công trên bộ của địch.

Do địa hình nước ta chủ yếu là rừng núi, hình thế đất nước dài và hẹp, dễ bị chia cắt chiến lược, tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh diễn ra trên không gian rộng, rất biến động, ác liệt, thương vong cao, vật chất tiêu hao lớn, địch tìm mọi biện pháp để triệt phá hậu cần - kỹ thuật của ta, nên công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật rất khẩn trương, quy mô lớn, phức tạp. Vì vậy, cần nắm chắc các phương án, kế hoạch tác chiến đã dự kiến để tổ chức, bố trí hệ thống bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cho thích hợp.

Bảo đảm hậu cần - kỹ thuật cần dựa trên cơ sở thể trận chiến tranh nhân dân, thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh để hình thành thế trận hậu cần - kỹ thuật. Việc bảo đảm hậu cần - kỹ thuật phải vững chắc, kịp thời trong từng khu vực, từng chiến trường, tập trung cho hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu và các chiến dịch phản công, tiến công quan trọng, đồng thời quan tâm thích đáng đến các hướng khác, không để bị chia cắt. Hệ thống hậu cần kỹ thuật trên từng hướng chiến lược gồm có cụm căn cứ hậu cần kỹ thuật của cấp chiến lược bố trí trong căn cứ hậu phương vùng chiến lược để bảo đảm cho từng hướng phòng thủ.

ttxvn-2307tuyengiao7-1692801809.jpg
Lực lượng lớn dân công thồ hàng bằng xe đạp, đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN.

Trên các hướng dự kiến các chiến dịch phản công, tiến công có thể tổ chức một số căn cứ, phân căn cứ, các binh trạm, kho trạm,... Các hệ thống này kết hợp với hậu cần - kỹ thuật của khu vực phòng thủ địa phương hình thành hệ thống nhiều chiều trên từng chiến trường, chi viện hỗ trợ nhau trong quá trình bảo đảm. Đặc biệt, thời kỳ đầu chiến tranh cần coi trọng xây dựng các căn cứ hậu cần - kỹ thuật của khu vực phòng thủ địa phương, đủ khả năng bảo đảm nhanh, kịp thời cho các lực lượng đánh địch trên các hướng, nhất là trong tình huống đột biến.

Trên cơ sở thế trận hậu cần - kỹ thuật, cần tổ chức tốt hệ thống đường cơ động, bảo đảm vận chuyển liên tục, đáp ứng tình huống khẩn trương, biến động, có đủ phương tiện, kết hợp chặt chẽ các phương thức vận tải.

Trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, bố trí hệ thống căn cứ hậu cần - kỹ thuật cần phân tán hợp lý, có căn cứ dự bị, bảo đảm bí mật, tăng cường ngụy trang nghi binh, coi trọng công tác bảo vệ, nhất là đối phó với đòn tiến công bất ngờ của lực lượng đặc biệt, lực lượng đổ bộ đường không,... Cần triệt để lợi dụng hang động, địa hình có lợi, tích cực cải tạo để bố trí lực lượng, có phương án di chuyển hậu cần kỹ thuật, hạn chế thiệt hại do địch gây ra.

Hơn nữa, trong điều kiện địch thường xuyên đánh phá, yêu cầu tính khẩn trương để bảo đảm kịp thời cho các lực lượng, cần vận dụng kết hợp linh hoạt các phương thức bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, kết hợp giữa bảo đảm tĩnh với bảo đảm động, giữa phân cấp và vượt cấp, bảo đảm theo kế hoạch hợp đồng và bảo đảm theo tình huống…, trong đó cần lấy hậu cần - kỹ thuật tại chỗ là chủ yếu.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến