Nhận thức chung về chiến tranh và hòa bình rút ra từ thực tiễn lịch sử thế giới

Chiến tranh và hòa bình, cũng như mối quan hệ hữu cơ phức tạp giữa chúng, về mặt lịch sử có liên quan đến sự xuất hiện nhà nước và lực lượng vũ trang chuyên biệt. Khi bối cảnh đất nước có nguy cơ đứng trước chiến tranh, quyết sách chính trị của nhà nước luôn có ảnh hưởng quyết định đến sự tăng quy mô các hoạt động quân sự, cũng như kích hoạt tính đặc thù của các hoạt động ấy, gây nên sự gia tăng chi phí vật chất chưa từng có.
59385325-303-1659317577638-1703517526.jpg
Binh sĩ gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo. Ảnh: Reuters

Nhà nước cũng quyết định sự cần thiết phải nhanh chóng chuyển nền kinh tế đất nước từ thời bình sang thời chiến và tiến hành triển khai chiến lược các lực lượng vũ trang, thực tế là đụng chạm đến mọi mặt của đời sống đất nước. Dù được chuẩn bị kỹ từ thời bình, song để đạt mục tiêu chiến tranh, bộ máy lãnh đạo của các nước tham chiến cùng với các hoạt động quân sự bằng lực lượng quân đội đã có và sẵn sàng chiến đấu, cũng buộc phải thực hiện một tổ hợp những biện pháp rộng lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và quân sự, trong một thời gian ngắn phải bảo đảm động viên được mọi khả năng vật chất và tinh thần cho nhu cầu chiến tranh. 

Trong mọi thời đại lịch sử, các quốc gia muốn giành được mục tiêu chính trị bằng sức mạnh quân sự, đều gắn chặt việc chuẩn bị kỹ càng nhất để bước vào cuộc chiến với việc bí mật tiến hành động viên và triển khai lực lượng vũ trang để lợi dụng ưu thế đòn tiến công bất ngờ, đập tan kẻ thù ngay trong những trận đánh đầu tiên. Những nước thường bị nguy cơ cuộc tiến công vũ trang đe dọa thì ngay trong thời kỳ hòa bình đã phải tìm cách cải thiện lực lượng.

Đặc biệt, trong thời kỳ các quan hệ quốc tế căng thẳng, có nguy cơ chiến tranh xảy ra thì đã phải áp dụng những biện pháp cần thiết để không bị tụt hậu so với kẻ thù trong khi chuẩn bị bước vào chiến tranh (trong tiến hành động viên, triển khai lực lượng vũ trang...). Còn trong trường hợp đã bị tiến công thì không để kẻ thù tiếp tục gây bất ngờ cho mình, nhất là về chiến lược.

Mong muốn cao nhất của các nhà nước thường là môi trường hòa bình, ổn định để tiến hành các kế sách chính trị của mình một cách êm thấm. Tuy nhiên, khi đã buộc phải đối đầu với chiến tranh, các bên tham chiến đều muốn đi trước đối phương trong tiến hành động viên và triển khai lực lượng vũ trang, đồng thời giảm đến mức thấp nhất khoảng thời gian giữa thời điểm thông qua quyết định bước vào cuộc chiến với thời điểm đưa những lực lượng chủ yếu vào tham gia những trận đánh đầu tiên.

Điều đó đã trở thành một xu hướng vững chắc trong lịch sử chiến tranh của mọi thời đại, Mặt khác, khi nền chính trị hòa bình buộc phải đi qua cực đối lập với nó là chiến tranh thì các bên tham chiến đều muốn nhanh chóng thoát ra khỏi trạng huống nguy hại này. Song, các nước chống xâm lược với tiềm lực quân sự khiêm tốn thường tìm cách đánh lâu dài để chuyển hóa lực lượng, và do đó các thủ đoạn hòa hoãn, hưu chiến nhằm kéo dài chiến tranh trở thành bạn đồng hành đắc lực để họ tìm lại nền hòa bình đích thực.

screenshot-2-1703517734.png
Chiến tranh Nam Tư là một loạt các cuộc chiến tranh và nổi dậy dựa trên sắc tộc đã kéo dài từ năm 1991 đến năm 2001 bên trong lãnh thổ Nam Tư cũ. Những cuộc chiến tranh này chính là yếu tố dẫn đến sự suy yếu và đổ vỡ của nhà nước Nam Tư, khi các nước cộng hòa cấu thành tuyên bố độc lập. Ảnh: Proboard

Lịch sử chiến tranh và lịch sử nghệ thuật quân sự chỉ rõ rằng, do ảnh hưởng của hàng loạt điều kiện chính trị - quân sự và lịch sử, mỗi một quốc gia khi tham gia chiến tranh đều có đặc điểm của mình. Sự đan xen vô số yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự, địa lý... đã chế định tính đa dạng của các thủ đoạn và phương pháp chuẩn bị và bước vào chiến tranh của mỗi quốc gia. Điều đó thể hiện đặc biệt rõ trong các cuộc chiến tranh thế giới đã từng cuốn hút nhiều nước khác nhau tham gia và động chạm đến lợi ích sống còn của nhiều dân tộc.

Thông thường, việc bước vào chiến tranh của một nước không phải là việc chốc lát, mà là cả một giai đoạn nhất định với những động thái riêng của mình. Ngoài việc bắt đầu các hoạt động quân sự là cả một hệ thống các hoạt động chính trị - tư tưởng và kinh tế có liên quan đến việc chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến.

Mỗi một kiểu chiến tranh cũng vậy, do những yếu tố xã hội - chính trị và lịch sử của thời đại nên đều có những đặc điểm riêng của nó. Sự gắn bó và liên kết lại với nhau bởi một loạt yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự, địa lý... tạo nên nhiều màu sắc riêng không giống nhau trong từng thời đại khi chuẩn bị cũng như khi bước vào cuộc chiến tranh. Vấn đề này lại càng phức tạp trong kiểu chiến tranh có quy mô thế giới bởi các nước từ nhiều khu vực khác nhau trên trái đất đều phải tham gia vì lợi ích sống còn của dân tộc mình.

screenshot-3-1703517938.png
Cảnh tượng Hy Lạp tan hoang và đổ nát trong cuộc nội chiến năm 1946. Ảnh: Internet

Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ không một thời đại nào mà con người bước vào chiến tranh lại xử thế giống hẳn với các sự kiện của cuộc chiến tranh trước. Trước khi bắt đầu các hoạt động tác chiến thường xuất hiện một loạt những hệ thống biện pháp chính trị, tư tưởng, kinh tế... có liên quan đến việc chuyển đất nước từ thời bình sang chiến tranh, nhưng ở mỗi kiểu chiến tranh khác nhau lại rất khác nhau.

Đối với vấn đề hòa bình cũng vậy, mỗi nhà nước, mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có cách nhìn nhận, xử lý vấn đề hòa bình cũng như mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình một cách phù hợp với điều kiện của mình. Song, nhìn suốt lịch sử cũng như từ kinh nghiệm các nước, có thể thấy nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình với tính cách sự kế tục chính trị đều phải hết sức chú trọng hàng loạt vấn đề có tính nguyên tắc: Vấn đề cảnh giác với nguy cơ chiến tranh, chủ động chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mọi tình huống; vấn đề phát triển bền vững đất nước nhằm giữ gìn hòa bình, cố gắng bằng mọi cách ngăn chặn nguy cơ chiến tranh; vấn đề xây dựng chế độ chính trị ưu việt, tăng cường sức mạnh quân sự nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp; vấn đề cố kết dân tộc, phát huy nội lực, tham gia các liên minh quốc tế có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh; vấn đề nghệ thuật mở đầu, tiến hành và kết thúc chiến tranh; vấn đề xây dựng lại đất nước sau chiến tranh...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến