Trong thời đại hiện nay, sự chuyển hóa giữa chiến tranh và hòa bình xảy ra cực kỳ nhanh chóng và ẩn chứa những động thái hết sức phức tạp mà nếu không dự lường được trước thì chắc chắn sẽ bị bất ngờ về chiến lược. Hòa bình ngày nay mang tính toàn cầu hóa, song vẫn có nguy cơ chiến tranh ở phạm vi quốc gia, khu vực và tiềm ẩn khả năng lan rộng. Chiến tranh hiện đại phổ biến là chiến tranh công nghệ cao nên có những đặc trưng rất khác trước. Và, trong nhiều trường hợp, sự chuyển hóa chế độ chính trị - nhà nước bằng hòa bình thậm chí còn nguy hiểm hơn chiến tranh. Thực tiễn lịch sử ấy đang đòi hỏi phải được tổng kết để thực sự có giá trị tham chiếu đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở nước ta.
Thời đại công xã nguyên thuỷ, quan hệ chiến tranh và hòa bình chưa hình thành như một thực thể xã hội, thậm chí con người chưa có quan niệm về chiến tranh và hòa bình. Loài người trong xã hội công xã nguyên thuỷ đã biết chế tác dao đá, giáo đá, rìu đá, mũi tên đá... làm công cụ săn bắn và sản xuất nông nghiệp. Chiến tranh chưa tồn tại với ý nghĩa là kế tục chính trị bằng bạo lực vũ trang mang tính nhà nước. Các cuộc xung đột vũ trang chỉ đơn thuần trực tiếp bảo vệ nguồn thức ăn do thị tộc, bộ lạc chiếm lĩnh, không phải là chiến tranh theo đúng nghĩa của nó. “Tù binh” bắt được trong “chiến tranh” thường bị đem giết (trước nữa còn bị ăn thịt) hoặc trở thành thành viên bình đẳng trong bộ lạc nếu nguồn thức ăn có thể cho phép kết nạp thêm thành viên.
Dấu ấn trong thần thoại, sử thi, folklore... của nhiều dân tộc có nền văn minh cổ đại nổi tiếng như Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Ba Tư... đã phản ánh rất rõ điều đó. Chẳng hạn trong thần thoại Hy Lạp, thời đại các Titan tương dung với thời đại công xã nguyên thuỷ - chưa có chiến tranh, sự đụng độ giữa các vị thần thực chất phản ánh những bước chinh phục tự nhiên của các tộc người nguyên thuỷ.
Chỉ khi thế hệ thần trẻ lật đổ thời đại Titan, lập nên “Triều đình” Ôlanhpơ do thần Dớt đứng đầu - tương dung với thời đại chiếm hữu nô lệ - thì phân hóa địa vị xã hội giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị mới trở nên rõ ràng, và công cuộc chinh phục giới tự nhiên chuyển một phần quan trọng sang đấu tranh giai cấp, khi ấy chiến tranh mới xuất hiện bằng biểu tượng thần Arét. Thần thoại Trung Quốc cổ đại cũng tương tự. Thời Tam hoàng - Ngũ đế hoàn toàn chưa có chiến tranh. Truyền thuyết về Hậu Nghệ bắn mặt trời, Đại Vũ trị thuỷ, Hiên Viên dẹp loạn... chỉ là sự phản ánh công cuộc đấu tranh với thiên nhiên hoặc xung đột vũ trang của các cộng đồng người nguyên thuỷ, không hề dính dáng đến chính trị - nhà nước.
Trong truyền thuyết cổ của Việt Nam, biểu tượng Thánh Gióng - một trong “Tứ bất tử” của người Việt, cũng không hoàn toàn phản ánh chiến tranh một cách đúng nghĩa, mà chỉ dừng ở mức độ xung đột vũ trang, bởi nhà nước lúc này chưa hình thành hoàn chỉnh. Cuộc chiến tranh đúng nghĩa đầu tiên của người Việt chính là cuộc kháng chiến của các bộ tộc u Việt và Lạc Việt đoàn kết với nhau chống quân xâm lược Tần vào khoảng năm 214 trước Công nguyên, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Âu Lạc.
Tới cuối thời kỳ công xã nguyên thủy, cùng với quá trình tiến hóa từ xã hội bộ lạc và thị tộc sang chế độ chính trị - nhà nước là quá trình lĩnh vực tổ chức và hoạt động quân sự tách khỏi lĩnh vực sản xuất vật chất và đời sống sinh hoạt bình thường. Về phương diện chính trị - xã hội, “sự phân chia lớn đầu tiên trong xã hội thành hai giai cấp: Chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lột và người bị bóc lột”, kèm theo nhu cầu thu hút sức lao động mới đã định rõ chức năng của chiến tranh là “cung cấp những sức lao động mới đó: các tù binh bắt được trong chiến tranh bị biến thành nô lệ”. Do vậy, đây cũng là lúc mà đời sống xã hội hiện diện cả hai hình thái chiến tranh và hòa bình với tính cách kế tục chính trị.
Tuy nhiên, trình độ tổ chức lực lượng vũ trang chuyên biệt còn thấp kém, nhất là vũ khí còn thô sơ và mới chỉ ở trình độ vũ khí lạnh (chất nổ chưa được đưa vào chế tạo vũ khí). Theo đó, trong khoảng suốt ba, bốn nghìn năm đầu tiên của nền văn minh nhân loại, chiến tranh xảy ra là chiến tranh trực tiếp tiếp xúc (ở trình độ chiến tranh tiếp xúc thế hệ thứ nhất). Đồng thời, việc nhận thức, xử lý giữa chiến tranh và hòa bình, cũng như việc lựa chọn giải pháp hòa bình hay chấp nhận chiến tranh trong thực tiễn, thường phụ thuộc lớn vào ý chí chủ quan của giới chức cầm quyền tối cao, thậm chí phụ thuộc vào cá nhân người đứng đầu, song đã bắt đầu hình thành những tư tưởng - kinh nghiệm mang tính hệ thống.